2,2 triệu lao động trở về quê trong năm 2021 đã gây ra tình trạng thiếu hụt lao động kéo dài. Dù các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phía Nam đã có nhiều ưu đãi, kêu gọi, nhưng phần lớn số lao động trở về xác định sẽ tìm việc làm mới sau Tết.
Dù tuyển thêm được gần 200 lao động, nhưng con số này vẫn chưa lấp đầy các xưởng sản xuất. Tuyển dụng đủ nhân lực cho các đơn hàng sau Tết và cả năm mới là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp.
"Hiện nay các sản phẩm của công ty sản xuất ra bao nhiêu là hết bấy nhiêu. Do đó, nhu cầu lao động song song với đó cần khoảng 30%", ông Mai Minh Vương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh thủy sản Sài Gòn, cho biết.
Các tỉnh, thành kinh tế trọng điểm đang cần tới hàng trăm nghìn lao động mới và việc kết nối để đảm bảo đủ nhân lực đang được các doanh nghiệp triển khai.
Tuyển dụng đủ nhân lực cho các đơn hàng sau Tết và cả năm mới là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Trong 2 tuần qua, hệ thống cung ứng lao động việc 3 miền liên tục nhận được đề nghị cung ứng lao động với quy mô lên tới 30 ngàn lao động từ các doanh nghiệp FDI ở cả miền Bắc và các tỉnh thành phía Nam. Ngoài nhân lực qua đào tạo, lao động phổ thông vẫn chiếm số lượng lớn nhất. Tuy nhiên, lượng tuyển mới chỉ là bổ sung nhân lực cho các khu công nghiệp trong quý 1.
"Sự nối lại nguồn cung lao động là vô cùng quan trọng, bổ sung một cái lượng lao động cho các doanh nghiệp, nhà máy nhanh chóng dược nối lại không bị gián đoạn, phục hồi một cách nhanh chóng nhất", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam, nhận định.
Dự báo số lượng tuyển dụng tiếp tục tăng mạnh sau Tết, nhất là ngành dệt may và điện tử, khi các nhà máy hướng tới việc bổ sung nhân lực cho cả năm, đảm bảo sản xuất không gián đoạn vì thiếu người.
Tuy nhiên, để thu hút lao động sẽ không chỉ là mức lương cao, phụ cấp nhiều, mà còn cả hỗ trợ đi lại, sinh hoạt, y tế và chỗ ở... để người lao động yên tâm và gắn bó với nơi làm việc.