Nhiều chính sách thu hút người lao động
Công ty Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) đăng thông báo tuyển dụng 5.000 công nhân để bù đắp số người về quê nhưng không quay trở lại Đồng Nai làm việc, đồng thời cũng để mở rộng phân xưởng, dây chuyền sản xuất do đơn hàng mới dồi dào. Do yêu cầu của vị trí công nhân chỉ cần biết đọc, biết viết nên mỗi ngày, có từ 50 đến hơn 100 người đến công ty này để ứng tuyển.
Ông Đinh Sỹ Phúc - Chủ tịch Công đoàn Công ty Taekwang Vina cho biết, năm nay công ty đưa ra một số chính sách mới trong tuyển dụng lao động: “Để khuyến khích người lao động tới ứng tuyển các vị trí trong công ty, chúng tôi có những chính sách thu hút người lao động như thưởng 7.200.000 cho những người lao động mới tới làm việc, rồi hỗ trợ cho người giới thiệu nhân viên mới tới làm việc lên đến 4.000.000 đồng”.
Tương tự, ông Lê Nhật Trường – Chủ tịch Công đoàn Công ty Pousung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) cho biết, doanh nghiệp này cũng tích cực tuyển dụng gần 6.000 lao động ngay từ sau Tết để phục vụ kịp tiến độ các đơn hàng đã ký kết với đối tác. Theo ông Trường, để thu hút công nhân, công ty có nhiều chính sách hỗ trợ rất tốt ngay cả khi là người lao động mới được tuyển dụng.
“Đối với người lao động vào làm việc, nếu có kinh nghiệm từ 1 - 3 năm thì sẽ được hưởng lương bậc 2. Còn nếu có kinh nghiệm từ 4 năm trở lên thì sẽ được hưởng lương bậc 3” - ông Trường nói.
Nhiều chính sách ưu đãi là vậy, nhưng các doanh nghiệp đều nhận định thị trường lao động phổ thông tại Đồng Nai ngày một khan hiếm. Mặc dù yêu cầu việc làm được hạ thấp chỉ cần biết đọc, biết viết nhưng do sức cạnh tranh cao, số lượng công nhân tuyển dụng được vẫn chưa đủ đáp ứng. Trong đó, tình trạng “khát” lao động phổ thông chủ yếu ở các ngành may mặc, giày da.
Hỗ trợ kết nối lao động từ các tỉnh lân cận
Theo bà Trần Thị Thùy Trâm – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai, trong năm 2022 dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp là hơn 130.000 người. Khảo sát riêng 2 tháng đầu năm 2022, đối với 191 doanh nghiệp nhu cầu tuyển dụng là hơn 23.000 người. Tuy nhiên, lượng lao động phổ thông hiện tại chưa đáp ứng được.
Giải pháp cho thời gian tới là trung tâm sẽ đưa doanh nghiệp đến các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ để hỗ trợ kết nối với người lao động. Trung tâm cũng đã ký kết với hơn 10 tỉnh để tuyển dụng và cung ứng lao động, gửi thông tin đến trung tâm dịch vụ việc làm của các tỉnh để tư vấn cho người lao động.
“Trung tâm đang kết nối trực tuyến, quảng bá liên hệ với các tỉnh bạn, chia sẻ dữ liệu tuyển dụng với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên từ Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Đắk Lắk, Gia Lai. Đồng thời, khi các tỉnh bạn tổ chức sàn giao dịch hay ngày hội việc làm thì đưa các doanh nghiệp tới tham dự” - bà Trần Thị Thùy Trâm cho biết.
Với thị trường lao động phổ thông ngày một khan hiếm, các doanh nghiệp sẽ phải chú trọng hơn nữa vào các chế độ phúc lợi, chăm lo cho công nhân. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tính đến bài toán dài hạn hơn là phối hợp với các tổ chức đào tạo để tìm kiếm, săn đón từ sớm nguồn lao động có tay nghề cao.