Trước đó, ngày 30-3, Công ty Bảo Duy đã gửi đơn đến các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan kêu cứu về việc ngư dân Trần Văn Liên (ngụ xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) "không chịu nhận" chiếc tàu vỏ thép mang số hiệu Qna-94679TS, được đóng với kinh phí 16 tỉ đồng từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67.
Theo trình bày của Công ty Bảo Duy, ngày 18-9-2015, Bảo Duy và ông Liên có ký hợp đồng đóng tàu. Trong hợp đồng, Bảo Duy không cung cấp hệ thống đẩy thủy đồng bộ của tàu, hay còn gọi là máy chính và hạng mục này do ông Liên tự trang bị theo hợp đồng ký với Công ty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật Liên Á (nay đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Liên Á - gọi tắt là Công ty Liên Á).
Tuy nhiên, khi điều động tàu qua cầu Mân Quang ngày 29-3-2016 để sáng 30-3-2016 chạy thử đường dài thì bị hư máy. Lúc này, Công ty Bảo Duy và Liên Á đổ lỗi cho nhau nên ông Liên đã khởi kiện 2 doanh nghiệp trên ra tòa. Ngày 30-8-2017, TAND TP Tam Kỳ tuyên buộc Công ty Bảo Duy bồi thường cho ông Liên 2,8 tỉ đồng. Công ty Bảo Duy kháng cáo và đến ngày 30-1, TAND tỉnh Quảng Nam xử phiên phúc thẩm đã kết luận "Chấp nhận kháng cáo của Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy, buộc Công ty CP Tập đoàn Liên Á hoàn trả lại cho ông Liên số tiền 1,57 tỉ đồng và nhận lại hệ thống máy đẩy thủy bị hư hỏng".
Dù kháng cáo nhưng để tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, trước khi tòa xử phúc thẩm, Bảo Duy đã đồng ý ứng trước 100% chi phí thay máy mới và sửa chữa, hoàn thiện tàu đủ điều kiện hoạt động khai thác với sự thỏa thuận giữa các bên liên quan rằng khi tòa tuyên án phúc thẩm, cá nhân hoặc tập thể nào sai thì phải chịu trách nhiệm bồi hoàn lại số tiền này. Tổng chi phí mà Công ty Bảo Duy bỏ ra hơn 2,65 tỉ đồng, trong đó hơn 2 tỉ đồng thay máy, hơn 586 triệu đồng sửa chữa.
Ngư dân Trần Văn Liên cho biết gia đình ông rất khốn khổ với giấc mơ "tàu 67"
Ngày 19-12-2017, doanh nghiệp này đã tổ chức buổi chạy thử đường dài cho tàu với sự tham gia của gia đình ông Liên và đầy đủ đại diện các ban, ngành liên quan.Tại đây, ông Liên hài lòng với chất lượng tàu, đại diện Trung tâm Đăng kiểm tàu cá - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý nghiệm thu và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá. Tuy nhiên, điều khá bất ngờ là ông Liên không chịu nhận tàu, mặc dù Công ty Bảo Duy nhiều lần hối thúc.
Công ty Bảo Duy cho hay từ khi xảy ra sự cố vào ngày 29-3-2016 đến nay, doanh nghiệp này chịu thiệt hại rất nhiều vì dư nợ tại ngân hàng luôn duy trì ở mức từ 10 đến 11 tỉ đồng, hằng tháng phải trả lãi ngân hàng cả trăm triệu đồng. Mặt khác, nguồn vốn lưu động của công ty bị đóng băng vì vướng vào công nợ của ông Liên nên hoạt động sản xuất trì trệ.
"… Ông Liên còn nợ Bảo Duy 7,5 tỉ đồng mà không chịu trả để nhận tàu. Ngoài ra thông qua thi hành án tỉnh Quảng Nam, ông Liên còn phải có trách nhiệm đòi nợ Liên Á để trả cho Bảo Duy 2,6 tỉ đồng mà Bảo Duy đã tạm ứng để mua máy mới, cùng chi phí lắp đặt theo đúng tinh thần của cuộc họp do ông Ngô Tấn chủ trì lần thứ 4 vào ngày 27-10-2017. Tổng số tiền Bảo Duy cần phải được trả vào khoảng 10 tỉ đồng. Đây là số tiền quá lớn đối với công ty chúng tôi" - Công ty Bảo Duy nêu trong đơn.
Trả lời báo chí, ngư dân Trần Văn Liên cho biết phía Công ty Bảo Duy không thực hiện đúng như yêu cầu trong hợp đồng, hiện tàu còn thiếu nhiều thiết bị nên ông chưa nhận tàu. Ông Liên cũng cho biết 3 năm qua, gia đình ông lâm cảnh kiệt quệ vì phải chạy theo "con tàu 67" này. Ông Liên nói rằng khi nào các bên liên quan hoàn thành hợp đồng, bảo đảm quyền lợi của gia đình ông thì ông mới nhận tàu.
Theo ông Ngô Tấn, vướng mắc trong sự việc này chỉ ông Liên và Công ty Bảo Duy thì chưa giải quyết được mà cần có sự đồng thuận từ phía ngân hàng và Công ty Liên Á. Ông Tấn cho hay sau khi TAND tỉnh Quảng Nam xử phúc thẩm, Công ty Liên Á không đồng tình với bản án nên gửi đơn yêu cầu giám đốc thẩm, vụ việc này chắc chắn sẽ còn kéo dài. "Trong tuần tới, chúng tôi sẽ xin ý kiến tỉnh, mời các bên liên quan đến làm việc để tìm tiếng nói chung" - ông Tấn nói.