Đó là nhận định của bà Trần Nguyện, Giám đốc kinh doanh của tập đoàn Sungroup tại tọa đàm trực tuyến “Thời điểm vàng kích cầu du lịch hậu COVID-19” do báo Tiền Phong đã phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức. Tọa đàm là dịp để các chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi về khó khăn và giải pháp tháo gỡ để chương trình kích cầu du lịch có hiệu quả.
Du lịch thiệt hại nặng nề do COVID-19
Tại toạ đàm ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch nhận định: Chưa bao giờ trong lịch sử nền du lịch quốc tế gặp phải khủng hoảng như thế. Theo thống kê toàn cầu đánh giá doanh thu từ du lịch trên toàn thế giới năm 2020 có thể giảm xuống 78%, cao hơn rất nhiều những lần khủng hoảng trước.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch, thành viên Ban IV. Ảnh: Mạnh Thắng.
Nói về những khó khăn trong đại dịch COVID-19 của tập đoàn Sungroup, bà Trần Nguyện, Giám đốc kinh doanh của Tập đoàn cho biết: “Sun Group bị ảnh hưởng rất nhiều vì COVID-19. Sau khi mở cửa trở lại, lượng khách đến các khu vui chơi, khu du lịch do Sungroup vận hành chỉ đạt 20-30% so với cùng kỳ năm 2019 và chủ yếu vẫn là khách nội địa.”
Bà Trần Nguyện, Giám đốc kinh doanh của tập đoàn Sungroup. Ảnh: Mạnh Thắng.
Ước tính hết tháng 5, lượng khách đến với các khu du lịch, vui chơi sụt giảm khoảng 3 triệu khách, ước tính hết năm 2020 doanh thu chỉ đạt khoảng 70-80% so với cùng kỳ 2019, dự kiến đạt 70% so với kế hoạch kinh doanh của năm 2020. Điều này khiến cho dòng tiền của Tập đoàn bị ảnh hưởng nặng nề. Diễn biến phức tạp về dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng về lượng khách, doanh thu, mà còn gây khó khăn cho chúng tôi trong việc sắp xếp công việc cho 11.000 người lao động đang làm việc cho Sungroup trên cả nước. Đây là điều trăn trở của Sungroup cũng như tất cả các doanh nghiệp du lịch trong giai đoạn hậu COVID-19.
‘Kết bè vượt bão’
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang hành hành trên toàn thế giới lại là cơ hội vàng của du lịch Việt. Những người Việt trước đây hay du lịch quốc tế thì nhóm nhu cầu đó sẽ quay lại tiếp tục khám phá Việt Nam. Đó là nhóm người có khả năng chi trả cao hơn. Nếu phục vụ tốt nhóm khách hàng này sẽ gắn bó lâu dài hơn với du lịch Việt, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch nhận định.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường. Ảnh: Minh Đức
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, đại diện Doanh nghiệp Xuân Trường cho biết trong thời gian nghỉ dịch doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng chính sách đa dạng hóa sản phẩm hơn, có các gói dịch vụ khác nhau để du khách có nhiều lựa chọn hơn khi đến với các khu du lịch, tạo ra nhiều ưu đãi hơn.
Nói về chiến lược và chính sách cụ thể để đón sóng du khách nội địa trong đợt kích cầu nội địa lần này, bà Trần Nguyện, Giám đốc kinh doanh của tập đoàn Sungroup cho biết, đơn vị không chỉ chủ động đưa ra các chương trình kích cầu mà còn hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp khác trong ngành để cùng “kết bè vượt bão”, tạo nên những chương trình kích cầu có mức giá hấp dẫn ở các điểm du lịch.
Ngoài ra, Sungroup ưu tiên đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo và đẳng cấp để gia tăng trải nghiệm cho du khách, đồng thời đón đầu làn sóng bùng nổ của du lịch nội địa và sau này là thị trường du lịch quốc tế. Tập đoàn cũng phối hợp với chính quyền các tỉnh xây dựng kế hoạch quảng bá, truyền thông du lịch tới các thị trường trọng điểm Trung Quốc, Hàn Quốc theo cách thức thực hiện và hướng tiếp cận hoàn toàn mới, phù hợp xu thế hiện nay.
Đẩy mạnh ‘Du lịch Việt Nam an toàn’
Từ góc nhìn của chuyên gia, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch nhận định trong giai đoạn hiện nay, có rất nhiều thuận lợi để phục hồi và phát triển du lịch, Chính phủ đang có một số chính sách khuyến khích tạo điều kiện doanh nghiệp du lịch phát triển. Mong rằng các doanh nghiệp sẽ đoàn kết, hợp tác phát triển và cùng thực hiện các kế hoạch truyền thông lan tỏa thông điệp ‘Yêu du lịch Việt Nam’ và ‘Du lịch Việt Nam an toàn’. Vì chúng ta rất thành công trong việc khống chế dịch bệnh chúng ta có thể là nước đầu tiên mở cửa lại du lịch nội địa. “Tôi tin rằng du lịch Việt sẽ trở lại mạnh mẽ hơn trong thời gian sắp tới”, ông Trần Trọng Kiên khẳng định
Đẩy mạnh truyền thông ‘Du lịch Việt Nam an toàn’ cũng là ý kiến đề xuất của bà Trần Nguyện, Giám đốc kinh doanh của tập đoàn Sungroup đưa ra tại tọa đàm để kích cầu du lịch nội địa sau dịch COVID -19: “Cần xây dựng một trang thông tin “vietnamantoan”/ “VietnamSafe” để thúc đẩy quảng bá cho du khách quốc tế về một điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện và mến khách. Trang thông tin này ngoài việc cập nhật những thông tin, hình ảnh khẳng định Việt Nam an toàn với COVID -19, còn quảng bá những điểm đến và chính sách kích cầu của du lịch Việt Nam với khách quốc tế.”
Ngoài ra, tập đoàn Sungroup cũng đại diện các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch đưa ra kiến nghị cho Chính phủ tạo điều kiện hỗ trợ, ủng hộ các Doanh nghiệp tư nhân tạo dựng dự án mới, sản phẩm mới đón đầu xu thế quốc tế, đảm bảo chất lượng – đẳng cấp – khác biệt, độc đáo để tạo nên sự hấp dẫn, mới mẻ cho chính Du khách nội địa và Du khách quốc tế khi quay trở lại Việt Nam, tạo động lực để du khách quay trở lại nhiều lần.
Bà Trần Nguyện, Giám đốc kinh doanh của tập đoàn Sungroup. Ảnh: Minh Đức
Tập đoàn cũng đề xuất kiến nghị triển khai miễn thị thực và nâng thời hạn lên 30 ngày đối với những thị trường quốc tế đã được đánh giá là an toàn với COVID -19. Chính sách này ban đầu có thể áp dụng trong vòng 12 tháng. Triển khai ngay lập tức các chương trình quảng bá du lịch online đến các thị trường khách quốc tế, đặc biệt là những thị trường có khả năng khống chế đại dịch COVID -19 sớm nhất trên thế giới.
Ngay sau khi dịch COVID-19 được khống chế trên thế giới, Chính phủ và Bộ VHTTDL cần triển khai các chương trình quảng bá, kích cầu tại một số thị trường trọng điểm, có thể tạo nên cú hích cho du lịch Việt Nam hậu dịch COVID-19 (ví dụ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga…). Ngoài ra, cần có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tham gia cùng các chương trình này.
Đề xuất Chính phủ cho phép sớm mở lại đường bay quốc tế song phương tới một số quốc gia đã kiểm soát an toàn về dịch bệnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài… theo mô hình “bong bóng du lịch”. Đề xuất Chính phủ áp dụng mã QR để quản lý thông tin, truy vết hành khách, khách du lịch xuất nhập cảnh khi mở cửa bầu trời (trong trường hợp cần thiết) để hạn chế rủi ro thấp nhất. Đồng thời, trang bị các thiết bị tầm soát, xét nghiệm nhanh tại các cửa khẩu.
Qua ý kiến chia sẻ của các vị khách mời tới tọa đàm “Thời điểm vàng kích cầu du lịch hậu COVID-19”, Ban tổ chức rất phấn chấn khi thấy được rất nhiều điểm sáng đối với ngành du lịch. Bởi những cách làm và hoạt động kích cầu du lịch nội địa hậu dịch COVID-19 mạnh mẽ của các doanh nghiệp đã góp phần tạo cảm hứng cho người dân trong việc tích cực đi du lịch.