Theo đó, các kịch bản của những diễn biến tiếp theo trong đại dịch này đều cho thấy những tác động không nhỏ tới sự tăng trưởng của kinh tế nói chung và tới các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam nói riêng.
55% doanh nghiệp Đức đều có các biện pháp phòng chống để ứng biến với dịch Corona tại Việt Nam.
Một trong những biện pháp cấp bách mà các doanh nghiệp hiện tại đang thực hiện là dừng toàn bộ các chuyến công tác sang Trung Quốc (47%), 38% trong số họ chỉ dừng 1 phần các chuyến công tác của công ty.
38% doanh nghiệp Đức tạm thời không tiếp các khách hàng và đối tác tới từ Trung Quốc để đảm bảo phòng ngừa và hạn chế dịch bệnh. 41% trong số họ hạn chế tiếp các khách hàng vừa đi Trung Quốc về hoặc quá cảnh tại Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Các khách nước ngoài khác không đi qua Trung Quốc hoặc không tới thăm Trung Quốc vẫn được chào đón tại doanh nghiệp của họ (52%). Đối với các quốc gia có trường hợp nhiễm bệnh, 38% doanh nghiệp hạn chế các chuyến công tác tới những nước đó.
Đánh giá về hiệu quả của các biện pháp hạn chế, phòng ngừa của chính phủ Việt Nam, 44% các nhà đầu tư Đức cho rằng phản ứng của chính phủ Việt Nam kịp thời và có hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp của họ trong việc hạn chế tối đa những tác động tiêu cực tới tình hình kinh doanh và tới sức khỏe của các nhân viên. 36% doanh nghiệp nhận thấy những chính sách đó phần nào hỗ trợ họ trong việc ứng biến với dịch bệnh Corona.
Ngoài ra các nhà đầu tư Đức cũng đưa ra kiến nghị, nguyện vọng và yêu cầu nhằm giúp họ nắm rõ hơn và cập nhật hơn tình hình hiện tại cũng như điều chỉnh kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp Đức trong thời gian tới tại Việt Nam. Phần lớn doanh nghiệp tỏ ra lạc quan rằng họ sẽ vượt qua khoảng thời gian khó khăn này.