Lộc trời doanh thu đạt mốc lịch sử, Trung An đang vượt Vinaseed
Kết thúc năm 2021, Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 10.224 tỷ đồng tăng 36% so với cùng kỳ – Đây cũng là mức doanh thu cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty. Trong cơ cấu doanh thu của Lộc Trời ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể của mặt hàng lương thực.
Tương tự, Vinaseed (NSC) đạt 1.931 tỷ đồng doanh thu tăng 18% so với cùng kỳ, trong khi Trung An (TAR) đạt 3.120 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% so với năm 2020 - Đáng chú ý khoảng cách về doanh thu giữa TAR và NSC đang ngày càng cách xa dù trước đó NSC đã từng có doanh thu cao hơn đáng kể so với TAR.
Về mặt lợi nhuận, cả LTG, NSC và TAR cùng báo lãi tăng 2 con số
Không chỉ dẫn đầu về doanh thu mà Lộc Trời cũng có mức lợi nhuận cao vượt trội so với 2 doanh nghiệp còn lại. Kết thúc năm 2021, lợi nhuận sau thuế của Lộc trời đạt 422 tỷ đồng tăng 14,4% so với thực hiện trong năm 2020.
Đáng chú ý riêng quý 4/2021, Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TAR) lãi sau thuế gấp 7 lần cùng kỳ, lên 43,7 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt gần 40 tỷ đồng. Nhờ lãi quý 4 mà tính chung cả năm TAR lãi sau thuế 101 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.
Tương tự, Vinaseed (NSC) kết thúc năm 2021 báo lãi ròng đạt 219 tỷ đồng – tăng 15% so với năm 2020 tương đương EPS đạt 12.479 đồng. NSC cho biết lợi nhuận tăng cao là do công ty mở rộng thêm được thị trường gạo và xuất khẩu gạo.
Triển vọng ngành gạo 2022
Nhận định về triển vọng thị trường xuất khẩu gạo năm 2022, sẽ vẫn tiếp tục có lợi cho ngành lương thực trong đó có các doanh nghiệp gạo, và giá gạo xuất khẩu có khả năng vẫn sẽ ổn định như 2021 thậm chí cao hơn.
Bên cạnh đó, chất lượng gạo Việt Nam được người tiêu dùng trên nhiều nước ưa chuộng. Đáng chú ý, ngoài các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Hoa Kỳ, các nước châu Phi, Hàn Quốc..., xuất khẩu gạo sang EU dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2022 bởi hỗ trợ của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Những ngày cuối cùng năm 2021, một lô hàng hơn 4.000 tấn gạo thơm và gạo trắng do Tập đoàn Lộc Trời đã lên đường sang châu Âu. Mảng xuất khẩu gạo của Tập đoàn Lộc Trời đã tăng gấp khoảng 4 lần về sản lượng và doanh số so với năm ngoái, có thêm 15 đối tác mua hàng mới trên thị trường quốc tế.
Tiếp đó, Trung An được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chọn làm đơn vị xuất khẩu lô gạo khai trương năm mới với số lượng 1.150 tấn gạo thơm Hương Lài đi Malaysia và 450 tấn gạo thơm Jasmine đi Singapore.