Các doanh nghiệp gia đình mang lại một lượng giá trị đặc biệt cho xã hội và nền kinh tế. Theo Công ty Nghiên cứu Wealth-X, từ nay đến năm 2030 sẽ có khoảng 15,4 nghìn tỷ USD được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các doanh nghiệp gia đình cũng đóng góp từ 70-90% GDP toàn cầu và tạo ra 50-80% việc làm trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, có thực tế là chỉ dưới một phần ba doanh nghiệp gia đình tồn tại từ thế hệ thứ nhất đến thế hệ thứ hai; và một tỷ lệ thậm chí còn nhỏ hơn nữa có thể được truyền lại cho thế hệ thứ ba. Xu hướng mà chúng ta đang thấy là các công ty hiện đang vươn lên nhanh chóng, đạt được nhiều thành công ấn tượng, nhưng vì lý do này hay lý do khác lại không thể tồn tại được sau khi có sự thay đổi thế hệ lãnh đạo.
Tạp chí Fortune đã có báo cáo cho rằng trong những năm 1960, tuổi thọ trung bình của một công ty trong S&P là khoảng 60 năm, nhưng hiện nay chỉ còn gần 20 năm.
Về vấn đề này, có một vài câu hỏi quan trọng để các chủ doanh nghiệp gia đình tự suy ngẫm:
Thứ nhất, mô hình kinh doanh hiện tại của gia đình có phù hợp để tiếp tục tồn tại trong khoảng thời gian 25 hay 50 năm nữa hay thậm chí 100 năm hoặc hơn không?
Thứ hai, làm thế nào để doanh nghiệp của gia đình có thể cải thiện sự hài lòng và gia tăng lòng trung thành của khách hàng trong khi tiếp tục đáp ứng sự mong đợi của khách hàng?
Và thứ ba, các chủ doanh nghiệp gia đình có luôn tìm kiếm những cách làm mới và nuôi dưỡng văn hóa kinh doanh trong các công ty của mình không?
Giao tiếp cho tương lai
Đối với các chủ doanh nghiệp gia đình, việc lôi kéo các thành viên liên quan vào các cuộc thảo luận về doanh nghiệp và tương lai của nó là điều cực kỳ quan trọng. Việc thường xuyên giám sát các kỳ vọng về vai trò và trách nhiệm cũng như tạo ra một môi trường tin cậy là điều cực kỳ quan trọng.
Những động lực liên cá nhân giữa các thành viên của một doanh nghiệp gia đình càng phức tạp nhiều hơn do khả năng nảy sinh xung đột trong các cuộc trao đổi thảo luận. Phát huy sự hợp tác, phát triển một văn hóa công ty thành công mà có thể điều hướng hành vi của nhân viên là chìa khóa để khai thông giá trị trong các doanh nghiệp gia đình.
Những hình thức thực tiễn để đạt được điều này bao gồm khuyến khích những cuộc đối thoại cởi mở dựa trên các mục tiêu chung được chia sẻ; cũng như tạo các khẩu hiệu và thông điệp nội bộ đơn giản, chính xác và có cấu trúc tốt có thể phản ánh tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị của doanh nghiệp.
Thiết lập và tăng cường kết nối
Để vượt lên trên môi trường kinh doanh đầy bất ổn và điều kiện thị trường còn nhiều khó khăn, các chủ doanh nghiệp cần cân nhắc những khoảng thời gian nghỉ ngơi cùng nhau để gắn kết các thành viên thành một đội. Bạn hãy sắp xếp thời gian cho các buổi nghĩ ngơi cho cả văn phòng (khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được cải thiện) nhằm thư giãn và mọi người có thể tham gia vào các hoạt động gắn kết các thành viên trong công ty gần nhau hơn.
Tìm hiểu tính cách của các đồng nghiệp và nắm rõ cách họ muốn được giao tiếp và tương tác như thế nào. Tất cả có thể giúp bạn cải thiện sự hợp tác và xây dựng niềm tin một cách lâu dài. Sử dụng những công cụ trắc nghiệm tính cách cũng có thể giúp hiểu được sự đa dạng hành vi của từng cá nhântrong nhóm quản lý doanh nghiệp.
Xây dựng chất xúc tác niềm tin giữa các bộ phận
Cùng xây dựng các dự án có thể kết nối các bộ phận chức năng độc lập lại với nhau để gây dựng lòng tin. Nhiều cơ hội hợp tác giữa các đồng nghiệp sẽ tạo ra một nền văn hóa nơi mà mọi người cảm nhận được sự thân thuộc và niềm tin được xây dựng trong công ty.
Cải thiện các quy trình và công cụ giao tiếp
Việc hình thành các kênh truyền thông thật sự cần thiết khi các doanh nghiệp gia đình phát triển và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đánh giá lại các chuẩn mực giao tiếp hiện có trong doanh nghiệp gia đình sẽ rất hữu ích để xác định những mặt hiệu quả và chưa hiệu quả trong quá khứ. Sử dụng kênh truyền thông nội bộ của công ty để gửi bản tin thường kỳ là một cách tuyệt vời để đảm bảo các bộ phận được cập nhật những thông tin họ cần cho công việc hay tham gia vào các hoạt động của công ty.
Bản tin nội bộ cũng có thể được sử dụng để tôn vinh những thành công, giúp xây dựng tình đoàn kết và văn hóa thân thuộc của mỗi nhân viên. Ngoài ra, các kênh truyền thông xã hội cũng là một kênh giao tiếp hiệu quả được sử dụng đồng thời nhằm xây dựng mối quan hệ với khách hàng và truyền đạt các mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.
Xây dựng hình ảnh
Người lãnh đạo của một doanh nghiệp gia đình có cơ hội để định hình văn hóa doanh nghiệp từ trên xuống. Một trong những bước quan trọng nhất để thực hiện là truyền tải thông tin liên lạc rõ ràng. Điều này có thể dưới hình thức gặp gỡ thường xuyên với nhân viên để trao đổi những nhu cầu cần thiết của họ trong công việc; duy trì môi trường làm việc cởi mở và thân thiện để mỗi nhân viên đều cảm thấy thoải mái khi nói lên bất kỳ suy nghĩ hoặc mối bận tâm nào; và thường xuyên có mặt để chúc mừng sinh nhật, ngày kỷ niệm và các sự kiện quan trọng của nhân viên.
Trong các doanh nghiệp gia đình, giao tiếp tốt cũng rất quan trọng ở môi trường công ty cũng như ở cấp độ gia đình. Vấn đề thách thức là làm sao phân biệt rõ và tìm ra cách phối hợp hài hòa và lâu dài giữa cả hai môi trường. Các doanh nghiệp có kế hoạch truyền thông và quản trị doanh nghiệp toàn diện luôn đặt gia đình lên hàng đầu sẽ có cơ hội bảo tồn doanh nghiệp qua các thế hệ tốt hơn.
Ông Aik-Ping Ng là đồng Giám đốc, Cố vấn Văn phòng Gia đình khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Cố vấn Quản trị Gia đình Cao cấp, Khối Ngân hàng Cá nhân cao cấp, HSBC.