Đây là một trong số các kiến nghị Chính phủ của doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp đã thông tin như vậy tại Đối thoại về pháp luật lao động, BHXH với doanh nghiệp Hàn Quốc tại TP.HCM, hôm qua, 24-8.
Ông Diệp nhấn mạnh Việt Nam và Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao 26 năm, mối quan hệ này ngày càng phát triển toàn diện. Trong đó lĩnh vực lao động, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đã tuyển dụng và sử dụng gần 1 triệu lao động trên toàn quốc. Hoạt động này góp phần quan trọng vào giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và nâng cao trình độ kỹ năng nghề đối với người lao động Việt Nam.
Ông Diệp đánh giá các doanh nghiệp Hàn Quốc bên cạnh đầu tư kinh tế, còn gặp một số khó khăn, trong đó có yếu tố khách quan Việt Nam tham gia kinh tế thị trường muộn hơn Hàn Quốc, trong đó có lĩnh vực lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội . Do vậy, Việt Nam từng bước hoàn thiện các chính sách này để cùng đồng hành với các nhà đầu tư. "Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về lao động, Bộ LĐ-TB&XH luôn lắng nghe ý kiến góp ý của các doanh nghiệp", ông Diệp nói.
Ông Diệp cho hay thời gian qua Bộ LĐ-TB&XH đã nhận được nhiều kiến nghị từ các doanh nghiệp từ khi xây dựng các chính sách về lao động, tiền lương, BHXH,... Cụ thể, các doanh nghiệp Hàn Quốc kiến nghị nên thay đổi thang bảng lương theo hướng khoảng cách giữa các bậc nhỏ hơn, thay vì khoảng cách giữa các bậc là 5% như hiện nay.
Doanh nghiệp Hàn kiến nghị nên thay đổi thang bảng lương theo hướng khoảng cách giữa các bậc nhỏ hơn, thay vì khoảng cách giữa các bậc là 5% như hiện nay. Ảnh: P.ĐIỀN
Về kiến nghị tiền lương, ông Diệp thông tin theo Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương, từ năm 2021, Chính phủ không can thiệp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp, theo đó doanh nghiệp tự xây dựng thang bảng lương và thỏa thuận với người lao động.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị quy định giờ làm thêm không nên hạn chế 200 giờ/năm, theo đó nội dụng này cũng đang được sửa đổi theo hướng thời gian làm thêm giờ cao hơn có thể tối đa 400 giờ/năm.
Doanh nghiệp Hàn cũng kiến nghị thời gian nghỉ thai sản nên tính vào thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp để hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, thay vì hưởng chế độ thai sản như hiện nay để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng quan tâm đến vấn đề chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH. Vấn đề xử lý kỷ luật lao động nữ khi mang thai,...
Ông Lim Jea Hoon, Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM, thông tin: Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc từ năm 1992, đến nay đã phát triển vượt bậc trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giao lưu…
Năm 2017, tổng giao dịch thương mại hai nước đạt 64 tỉ USD. Việt Nam là đối tác giao dịch thương mại lớn thứ tư của Hàn Quốc, còn Hàn Quốc là đối tác giao dịch thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Quy mô giao dịch thương mại hai bên hướng đến năm 2020 là 100 tỉ USD.
Ông Lim Jea Hoon nhìn nhận các doanh nghiệp cố gắng phát triển, trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, để đạt hiệu quả kinh tế cao các doanh nghiệp cần sự nỗ lực cao hơn và tuân thủ pháp luật nước sở tại.
"Hợp tác dựa trên sự tin cậy giữa chủ sử dụng lao động và người lao động và trách nhiệm của doanh nghiệp trong xã hội. Tuy nhiên, doanh nghiệp Hàn Quốc cũng gặp khó khăn trong việc thích ứng sự thay đổi trong chính sách tại Việt Nam. Thông qua đối thoại sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rỡ hơn sự thay đổi trong chính sách lao động, bảo hiểm xã hội", ông Lim Jea Hoon chia sẻ.
Hiện Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn hàng đầu tại Việt Nam, với khoản đầu tư tương đương 59 tỉ USD trong các ngành công nghệ cao, nguyên liệu phụ tùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong số 3.500 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam, có 3.000 đang đầu tư tại TP.HCM và các tỉnh lân cận đã đóng vài trò đầu kéo cho tăng trưởng khu vực phía Nam. Cùng đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã sử dụng gần 1 triệu lao động, góp phần giải quyết việc làm cho lao động trong nước. |