Hội nghị do Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Ninh Thuận phối hợp Sở Công thương các tỉnh Nam Trung Bộ tổ chức.
Chương trình đã thu hút 38 doanh nghiệp Hàn Quốc và 54 doanh nghiệp, Hợp tác xã trong khu vực Nam Trung Bộ. Ban Tổ chức đã bố trí để doanh nghiệp hai bên gặp gỡ kết nối giao thương trực tiếp và chương trình hội nghị tiếp tục trao đổi kết nối và liên kết đầu tư.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, khu vực Nam Trung Bộ có vị trí địa lý cực kỳ thuận lợi về giao thông, với các trục đường sắt, đường bộ, đường không và đường biển kết nối với các khu vực kinh tế trọng điểm trong và ngoài nước.
Riêng tỉnh Ninh Thuận có diện tích tự nhiên không lớn, nhưng lại hội tụ các vùng sinh thái khí hậu đa dạng đặc trưng của khu vực gồm biển, đồng bằng và miền núi gắn với các tiềm năng, lợi thế trên nhiều lĩnh vực, cùng với thời tiết nắng ấm quanh năm đã tạo cho Ninh Thuận có nhiều sản phẩm mang tính đặc thù cao như: Nho, táo, măng tây xanh, tỏi, nha đam, thủy sản, muối, rong sụn, cừu, dê,…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 182 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, đây là những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường đang được tỉnh Ninh Thuận tập trung đầu tư, phát triển theo chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa gắn với hoạt động du lịch; đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ và định hướng xuất khẩu.
"Chương trình kết nối giao thương lần này sẽ góp phần quảng bá hình ảnh, con người Ninh Thuận và các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ đến với doanh nghiệp Hàn Quốc. Qua đây sẽ mở ra triển vọng mới cho sự phát triển kinh tế, thương mại và du lịch của Ninh Thuận và khu vực Nam Trung Bộ, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hàn Quốc nói chung…", ông Hoàng cho hay.
Phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ Trần Hải Linh, chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc (VKBIA) cho biết, điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc là cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có tính bổ sung khá rõ nét, hàng hóa thương mại 2 nước không cạnh tranh trực tiếp lẫn nhau.
Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là các loại chip, máy móc thiết bị. Ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc chủ yếu hàng dệt may, điện thoại các loại và linh kiện. đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản sạch.
Hiệp hội VKBIA chúng tôi sẵn sàng tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp - doanh nhân 2 nước Việt - Hàn để kết nối, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà chúng ta đã và đang gặp phải, nhằm phát triển xúc tiến thương mại và hợp tác Việt Hàn ngày càng đi sâu vào hiệu quả và thiết thực hơn.
"Về thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Hàn Quốc vẫn còn nhiều "dư địa" để cùng nhau phát triển, trong đó Hội nghị Xuất nhập khẩu - Thương mại Việt - Hàn được tổ chức tại tỉnh Ninh Thuận lần này sẽ tiếp tục mang đến những cơ hội mơ rộng thị trường xuất khẩu và có thêm nhiều chuỗi cung ứng mới được hình thành, góp phần đưa các sản phẩm thế mạnh của Ninh Thuận và khu vực Nam Trung Bộ đi xa hơn, bền vững hơn…", Tiến sĩ Linh cho hay.
Tại hội nghị lần này, có 17 doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp, Hợp tác xã ở Ninh Thuận nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung ký kết ghi nhớ hợp tác để hướng đến xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới.