Hôm nay là hạn cuối để Bộ trưởng Bộ Công Thương hoàn thiện các phương án đề xuất, ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ có phương án cuối cùng trong việc điều hành xuất khẩu gạo thời gian tới.
Ngưng xuất khẩu, lúa hè thu sẽ khó tiêu thụ
Khi được hỏi về tình hình hoạt động của doanh nghiệp những ngày qua, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho biết, ông đang hồi hộp chờ quyết định cho phép xuất khẩu gạo trở lại. Vì càng đợi lâu, doanh nghiệp càng “chết”.
Nhiều doanh nghiệp đang rất nóng lòng được xuất khẩu lại
Theo đó, từ ngày 24/3 đến nay, các container gạo chưa xuất khẩu được lưu tại cảng hiện vẫn chưa thể xử lý được. Mỗi ngày doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí lưu container, phải trả lãi ngân hàng, bồi thường thiệt hại cho đối tác…
Ông Bình cho rằng, vấn đề an sinh xã hội hiện nay không phải là thiếu lương thực mà là các biện pháp chống dịch Covid-19. Sau đó là hỗ trợ ổn định đời sống cho người dân, không để người dân rơi vào cảnh túng thiếu…
Còn về lương thực, lúa hiện đang đầy đồng, chỉ chưa đầy 2 tháng nữa là đã có thu hoạch lúa mới vụ hè thu. Các tỉnh ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng… đều đã xuống giống vụ hè thu và lúa đang phát triển rất tốt trên đồng.
Việc tạm ngưng xuất khẩu gạo hai tuần qua đã khiến nông dân, doanh nghiệp ĐBSCL có thể thiệt hại cả nghìn tỷ đồng. “Một phần, nông dân mất khoản lợi nhuận cao khi bán được lúa giá cao, trong khi đó, doanh nghiệp phải tốn các chi phí lưu kho bãi, trả lãi ngân hàng, bồi thường hợp đồng cho khách…”, ông Bình phân tích.
Đó là chưa kể các thiệt hại về uy tín, thương hiệu với khách hàng, thậm chí, mất khách hàng vì các nhà nhập khẩu đang đổ xô sang Thái Lan mua gạo.
Không được xuất khẩu, doanh nghiệp phải trả phí lưu container, tiền lãi ngân hàng và nhiều thiệt thòi khác.
Về tình hình xuất khẩu gạo, bà Đặng Thị Liên - Giám đốc Công ty TNHH Lương thực - Thực phẩm Long An thì thở dài: “Đang chán chẳng buồn nói!”. Doanh nghiệp bà Liên có 32 container gạo đang kẹt ở các cảng biển vì không được mở tờ khai để thông quan.
Phía đối tác nhập khẩu cũng đã yêu cầu phía bà Liên phải gửi văn bản của Thủ tướng Chính phủ, chứng minh là doanh nghiệp không được phép xuất khẩu theo “lệnh” của cơ quan chức năng thì mới không yêu cầu bồi thường hợp đồng.
Dù không phải bồi thường hợp đồng nhưng chi phí lưu container, rồi lãi ngân hàng, không có tiền trả nợ lúa nông dân… cũng khiến doanh nghiệp chật vật rồi. “Doanh nghiệp đang phải tính tới đường tạm ngưng mua lúa của nông dân”, bà Liên than thở.
Cụ thể, trong tình hình không được phép xuất khẩu gạo như hiện tại, các ngân hàng không giải ngân vốn vay nên doanh nghiệp không có tiền thu mua lúa cho nông dân. Như tại doanh nghiệp bà Liên, từ đầu vụ, doanh nghiệp đặt cọc bao tiêu cho nông dân với mức 5 triệu đồng/ha. Thế nhưng, khi lúa chín, doanh nghiệp chưa xoay được tiền đành phải chấp nhận mất cọc, để nông dân bán lúa ra ngoài.
Nhiều tỉnh thành đã xuống giống vụ hè thu và lúa đang phát triển rất tốt trên đồng.
Hiện, sắp vào vụ thu hoạch lúa hè thu nhưng doanh nghiệp đang lo, không biết tình hình tiêu thụ vụ lúa mới sẽ như thế nào. Nếu không được xuất khẩu, lúa gạo trong nước sẽ ùn ứ, đẩy giá giảm mạnh. “Doanh nghiệp đang rất nóng lòng được xuất khẩu lại, càng đợi càng khó cho cả doanh nghiệp và nhà nông”, bà Liên lo lắng.
Theo bà Liên, nếu được xuất bán bình thường, mặt bằng chung giá gạo hiện nay có thể đạt 560 – 570USD/tấn đối với gạo Jasmin, gạo IR50404 cũng có thể đạt mức giá 520USD/tấn.
Có thiếu hụt gạo IR50404?
Trong một diễn biến liên quan, giá gạo cấp thấp (gạo IR50404) những ngày qua liên tục tăng cao và hút hàng. Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, giá và lượng gạo IR50404 biến động mạnh không phải là biểu hiện của thiếu hụt lương thực trong nước.
Ông Phạm Thái Bình cho rằng, việc hút hàng IR50404 không liên quan nhiều đến hoạt động xuất nhập khẩu. Thay vào đó, năm nay, diện tích xuống giống IR50404 rất thấp, người dân chuyển sang trồng các giống lúa thơm, nếp… để xuất khẩu giá cao hơn là trồng lúa cấp thấp.
Hơn nữa, nhu cầu thị trường đối với IR50404 hiện ở mức cao, vì đây là loại gạo dùng để làm bột gạo, sản xuất mì, bún phở… Cục Dữ trữ quốc gia tìm mua nhưng không tìm đủ nguồn hàng vì trả giá thấp.
“Trong cuộc họp giữa Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Cục Dự trữ quốc gia… ngày 31/3 vừa qua, doanh nghiệp đã nói thẳng thắn rồi, giá gạo IR50404 tại kho hiện đã ở mức 10.000 đồng/kg, Cục Dự trữ quốc gia chỉ mua với giá 9.000 đồng/kg nên không tìm được nguồn cung”, ông Bình nói.
Còn theo bà Liên, nếu như các năm trước, diện tích xuống giống IR50404 đạt đến 30 – 35% thì năm nay, chỉ còn khoảng 10% dẫn đến thiếu hụt cục bộ. Năm trước giá lúa IR50404 chỉ ở mức 4.200 – 4.500 đồng/kg, thua xa các giống lúa thơm như ĐT8, OM5451, nếp… nên nông dân đã chuyển sang trồng các giống lúa thơm.
Hơn nữa, nguồn hàng gạo IR50404 từ Campuchia đổ về ĐBSCL hiện cũng không còn, nông dân nước bạn cũng đang chuyển đổi sang trồng các giống lúa thơm để xuất khẩu với giá cao.
Diện tích trồng giống IR50404 giảm dẫn đến thiếu hụt cục bộ.
Theo bà Liên, không riêng gạo IR50404, nếu doanh nghiệp được phép xuất khẩu bình thường, giá gạo các loại sẽ còn tăng cao nữa, vì nhu cầu thị trường đang cao. Điều này sẽ giúp nông dân trồng lúa có thêm một khoản nhờ giá lúa tăng. Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng “tuýt còi”, không cho doanh nghiệp xuất khẩu, Việt Nam sẽ mất cơ hội vàng này như đã từng xảy ra trong quá khứ.
Giá gạo Thái Lan đang ở mức cao
Theo một số doanh nghiệp, các nhà xuất khẩu Thái Lan hiện vẫn đang xuất bán gạo bình thường với giá rất cao. Gạo 5% tấm của Thái Lan hiện có đơn vị chào giá đến 560USD/tấn. Trước đó vài tuần, giá gạo Thái Lan còn ở mức 480USD/tấn.
“Một điều mình phải học hỏi ở ngành gạo Thái Lan là họ rất đồng lòng giữ giá cho nông dân và doanh nghiệp. Có thời điểm gạo Việt Nam chỉ bán 338 – 340USD/tấn nhưng Thái Lan vẫn quyết giữ giá 420USD/tấn. Khi Việt Nam có lệnh tạm ngưng, khách hàng đổ xô sang Thái Lan và họ càng có điều kiện để đẩy giá tăng cao”, bà Liên phân tích.
Ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Gentraco cũng thông tin, các doanh nghiệp thành viên VFA đang "nín thở" chờ đợi quyết định điều hành xuất khẩu gạo của Thủ tướng Chính phủ vào ngày những ngày tới.
Hiện giá gạo 5% tấm của Thái Lan đang rất cao. Nếu trong điều kiện khi xem xét đủ lượng gạo dư cho dữ trữ, Thủ tướng cho xuất khẩu gạo trở lại trên thị trường thì đã có mặt bằng giá xuất mới. Khi đó, Việt Nam có thể căn cứ theo giá xuất khẩu của Thái Lan để chào giá gạo Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Kiên cũng cho rằng, tại thời điểm hiện tại, ở góc độ và khả năng của mình thì VFA chỉ có thể tập hợp dữ liệu thông tin về thị trường để cung cấp cho Bộ Công Thương và các doanh nghiệp thành viên trong Hiệp hội.