Trước thời điểm TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16 , Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp chế biến lương thực thực phẩm đã tăng công suất sản xuất lên 50%, đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định cho người dân trong vòng 6 tháng tới.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho biết, đối với nhóm mì ăn liền, các doanh nghiệp cam kết sản lượng luôn dồi dào. Công ty cổ phần Acecook Việt Nam khẳng định năng lực sản xuất của công ty có thể tăng 30%-50% so với bình thường.
Tuy nhiên, bất cập nhất hiện nay là tình trạng yêu cầu trình giấy xét nghiệm âm tính Covid-19. Chi phí xét nghiệm cao trong khi giá trị sử dụng chỉ khoảng 3 ngày và không đủ cho nhân viên, tài xế quay vòng đầu xe.
Theo Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM Lý Kim Chi, với đặc thù ngành, các mặt hàng thịt tươi sống giết mổ hàng ngày (bao gồm thịt gia súc, thịt gia cầm) đều được doanh nghiệp nuôi và giết mổ từ các cơ sở ở tỉnh lân cận nên phụ thuộc rất lớn vào khâu vận chuyển từ các tỉnh về TP.HCM. Nếu khâu vận chuyển bị tắc nghẽn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất và cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm.
Đồng quan điểm này, Đại diện một hệ thống bán lẻ tại TP.HCM, than thở: Doanh nghiệp hiện đang bị tình trạng xe chở hàng hóa đi qua tỉnh Tiền Giang nhưng không về được TP.HCM do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang yêu cầu phải có xét nghiệp RT-PCR. “Ngặt cái, họ chỉ có một chỗ xét nghiệm và mỗi ngày xét nghiệm chỉ được 500 mẫu.
Theo Công văn 3421/UBND-KGVX của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, từ 0h giờ ngày 7/7, người từ các địa phương ngoài tỉnh đến địa bàn tỉnh Tiền Giang hoặc người Tiền Giang đi các địa phương ngoài tỉnh quay về Tiền Giang phải có giấy xét nghiệm bằng phương pháp Realtime RT-PCR âm tính với Covid-19 còn thời hạn không quá 3 ngày kể từ ngày có kết quả xét nghiệm. Giấy xét nghiệm PCR được sử dụng phải do cơ quan y tế của địa phương mà người đó cư trú hoặc nơi người đó đến làm việc, mua bán… trước khi đến địa bàn tỉnh Tiền Giang cấp.
Trước tình hình nhiều phương tiện ùn ứ, chốt kiểm soát ở trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa và một số chốt khác như cầu Mỹ Lợi (nối Long An - Tiền Giang)… đã có báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang.
Nhiều phương tiện ùn ứ tại chốt kiểm soát.
Trưa 8/7, ông Nguyễn Văn Mười, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, ký ban hành Công văn 3490/UBND-KGVX tiếp tục chỉ đạo các chốt kiểm soát dịch phải cương quyết thực hiện nghiêm theo chỉ đạo tại Công văn số 3421/UBND- KGVX của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, yêu cầu các địa phương cấp huyện phải lập thêm chốt để có thể kiểm soát tối đa các phương tiện không đủ điều kiện phòng Covid-19 vào tỉnh Tiền Giang.
Tuy nhiên, do các xe của tài xế về Tiền Giang chắn lối, nên nhiều xe phải “đứng bánh” chờ đến lượt qua chốt. Việc quay đầu xe trở lại TP.HCM cũng khó có thể thực hiện được các phương tiện đang trên đường cao tốc và lượng phương tiện đông nghẹt, gây ách tắc lưu thông hàng hóa.
Dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến thực phẩm từ nội địa đến nhập khẩu đều tăng mạnh. Giá các loại gia vị, phụ gia nhập khẩu tăng 5%-10%, nguyên vật liệu ngành nhựa phục vụ sản xuất tăng 15%-70%, bao bì tăng 10%-15%...
Theo ghi nhận trên thị trường, các nguyên liệu nội địa như gạo, thủy sản, đường cũng tăng 5%-20%. Các nguyên liệu nhập khẩu làm thức ăn chăn nuôi như bột cá, ngũ cốc, đậu tương, phụ gia, khô dầu… tăng 15%-20%.
Ngoài ra, giá xăng nhập khẩu tiếp tục tăng, đang đẩy giá xăng trong nước đi lên đã khiến các chi phí đi kèm tiếp tục nhích lên. Tất cả các yếu tố này đã làm tăng chi phí sản xuất của ngành chế biến thực phẩm.
Hiện tại, các doanh nghiệp thành viên của Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cam kết tạm thời vẫn giữ giá cũ và nguồn dự trữ đảm bảo cung ứng trong 3 tháng. Tuy nhiên, khi nguồn nguyên liệu dự trữ hết thì tự thân các doanh nghiệp sẽ rất khó xoay xở để giữ ổn định giá bán hàng. Khi đó, cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
Cụ thể, ở nhóm mặt hàng thịt và trứng gia cầm, các doanh nghiệp thành viên cũng khẳng định nguồn cung rất dồi dào, phong phú, giá bán tiếp tục bình ổn. Công ty cổ phần Ba Huân cam kết cung ứng đầy đủ, tăng độ phủ trên diện rộng. Trong đó, mặt hàng thực phẩm chế biến từ thịt gia cầm sẽ đảm bảo đủ cung ứng và giữ giá bình ổn trong 3 tháng tới.
Với nhóm thịt heo tươi sống, các doanh nghiệp cũng khẳng định cung ứng đầy đủ. Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết, các sản phẩm như đồ hộp, xúc xích tiệt trùng, sản lượng dự trữ đủ cung ứng trong 3 tháng. Các mặt hàng thực phẩm chế biến khác đảm bảo cung ứng đủ cho thị trường 15-30 ngày.
Các mặt hàng lương thực như gạo, dù giá lúa gạo đang cao nhưng các doanh nghiệp vẫn duy trì lượng tồn kho lớn, sản lượng gạo dự trữ đảm bảo cung ứng đến cuối năm và giữ giá bán theo mức hiện tại.
Với đặc thù ngành, các mặt hàng thịt tươi sống giết mổ hàng ngày (bao gồm thịt gia súc, thịt gia cầm) đều được doanh nghiệp nuôi và giết mổ từ các cơ sở ở tỉnh lân cận nên phụ thuộc rất lớn vào khâu vận chuyển từ các tỉnh về TP.HCM.
“Nếu khâu vận chuyển bị tắc nghẽn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất và cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm. Do đó, để sản lượng cung ứng kịp thời và đầy đủ nhu cầu thị trường, việc đảm bảo vận chuyển nguyên liệu thuận lợi giữa các tỉnh về TP.HCM và ngược lại là vô cùng quan trọng, cấp thiết. Đây là cơ sở để doanh nghiệp tạo niềm tin và sự an tâm, ổn định trong cộng đồng xã hội, góp phần cùng chính quyền thành phố chống dịch hiệu quả.” Bà Lý Kim Chi nhấn mạnh.