Ông Nguyễn Trần Hiệp (Từ Sơn, Bắc Ninh), Giám đốc HTX Đồ gỗ mỹ nghệ Hiệp Thắng kể: Sau 2 năm COVID-19 bùng phát, hợp tác xã gặp nhiều khó khăn, sản phẩm tiêu thụ của các làng nghề gỗ giảm 80-90%. Ngay sau COVID-19 có dấu hiệu được đẩy lùi trong làn sóng đầu, hợp tác xã đã gấp rút mở rộng quy mô từ 15 lao động lên 40 lao động và đang có nhu cầu vay vốn để sản xuất cho những đơn hàng cuối năm. Tuy nhiên, cái khó chính là HTX không đủ điều kiện vay vốn như định giá tài sản, năng lực.
Ông Hiệp cho biết, từ đầu tháng 7 năm 2021 đến nay, Chính phủ ban hành hai Nghị quyết hỗ trợ các nhóm đối tượng chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Nhưng chỉ có lao động trong hợp tác xã được vay vốn 50 triệu đồng/người còn doanh nghiệp không được vay. “Điều chúng tôi cần nhất lúc này là vốn vay để duy trì mở rộng sản xuất. Ngân hàng nên điều chỉnh lại các tiêu chí hỗ trợ theo hình thức bao quát hơn, đảm bảo các hộ tại làng nghề có thể tiếp cận được với các nguồn hỗ trợ này và không bị bỏ lại phía sau như mục tiêu mà Chính phủ đề ra”, ông Hiệp nói.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Inter Bus lines chia sẻ: Doanh nghiệp của ông vừa cho chạy lại xe du lịch sau gần 2 năm dừng hoạt động vì COVID-19. “Bản thân doanh nghiệp phải trầy trật tự cân đối để duy trì hoạt động và hạn chế vay vốn mở rộng lúc này. Những tuần qua, chúng tôi vui mừng khi cuối tuần số lượng khách tăng lên đều đặn ở những tua du lịch Hà Nội - Sa Pa”, ông Tùng nói.
Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, đến cuối tháng 10/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,7% so với cuối năm 2020. Đến nay, mặt bằng lãi suất vay giảm khoảng 1,6%/năm so với trước khi xảy ra dịch.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 29/10, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 9,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,7% so với cuối năm 2020 (so với cùng kỳ năm 2020 tăng 6,4%). Hoạt động cho vay thường tăng tốc trong những tháng cuối năm, theo quan sát từ năm 2020, chỉ trong 3 tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng đã tăng từ 6% lên trên 12%. Nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, khi nền kinh tế hoạt động trở lại, nhu cầu tín dụng tăng lên, dư nợ tín dụng trong thời gian tới sẽ tăng mạnh hơn, dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 13% cho cả năm 2021.
Ông Mai Quốc Anh, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, một thông tin đáng lưu tâm: Đa số các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn vốn tự có, doanh nghiệp sử dụng vốn vay ngân hàng chiếm rất ít.
Ngân hàng cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn
Thống kê của NHNN cho biết, đến cuối tháng 10/2021, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 500.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ trên 260.000 tỷ đồng. Lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ 23/1/2020 khoảng 550.000 tỷ đồng. Riêng Ngân hàng Chính sách Xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho 258.947 khách hàng với dư nợ 6.063 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 3,5 triệu khách hàng với số tiền 129.758 tỷ đồng.
Chia sẻ tại hội thảo vừa qua về hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch, TS. Lê Xuân Nghĩa (Nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia) nhận định, dòng tiền và nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp cũng đã giảm . Các ngân hàng cũng đứng trước tình cảnh tiến thoái lưỡng nan vì khả năng hỗ trợ có hạn.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp dòng tiền đã “âm “ cách đây 2 năm và họ không biết làm thế nào. Nhu cầu vay vốn lúc nào cũng có nhưng họ không đủ điều kiện để vay. Trong khi lao động không có, số lượng khách hàng suy giảm. Hiện tại, giá gas, giá xăng còn tăng cao khiến doanh nghiệp rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Theo ông Nghĩa, chính sách hỗ trợ của ngân hàng đến nay đã mở “kịch trần”, như giãn hoãn nợ, điều chỉnh nhóm nợ, giảm phí.
Đề nghị nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cũng được các đại biểu Quốc hội nêu ra tại kỳ họp vừa qua, bởi đó thực sự là nguyện vọng tha thiết và nhu cầu lớn của nhiều doanh nghiệp. Trong khi đó, tại một hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng chia sẻ, việc nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng có thể làm giảm chất lượng tín dụng, gia tăng nợ xấu. Vì thế, cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.