Báo Dân Việt từng đăng bài "Trạm BOT Phú Hữu (TP.HCM): Chưa vận hành, mới công bố giá thu phí, doanh nghiệp đã… "khóc thét" (ngày 3/5/2024). Nội dung bài báo phản ánh một thực trạng: Dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu được thực hiện theo hình thức BOT, do Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên (Vicem Hà Tiên) làm chủ đầu tư.
Sau 12 năm đầu tư xây dựng, dự kiến từ quý III/2024, Trạm BOT Phú Hữu thuộc dự án trên sẽ tiến hành thu phí đối với các loại xe ra vào đường nối Nguyễn Duy Trinh và Khu công nghiệp Phú Hữu.
Ngày 8/3/2024, UBND TP.HCM ký Quyết định số 705/QĐ-UBND, ban hành mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ tại Dự án BOT Phú Hữu. Theo đó, mức giá tối đa là 133.000 đồng/lượt cho xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet.
Hàng loạt doanh nghiệp đã bức xúc cho rằng, mức thu phí trên là không hợp lý. Thậm chí, còn tạo thêm áp lực cho nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu. BOT Phú Hữu sẽ là "phí chồng phí", đẩy doanh nghiệp tới chỗ khó khăn, khiến mức lợi nhuận của doanh nghiệp mỏng đi, thậm chí chỉ có thể ở mức thu đủ bù chi.
Điều đáng nói, dù chỉ thu phí trên đoạn đường bê tông chưa tới 3 km, nhưng trạm BOT Phú Hữu sẽ ảnh hưởng toàn diện đến hoạt động giao nhận hàng hóa của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phía Nam.
Sau bài báo đăng trên Dân Việt, ngày 12/7/2024, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã ra Tờ trình số 9029/TTr- SGTVT, gửi UBND TP.HCM. Qua đó, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đề nghị xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân TP.HCM thay thế các Nghị quyết trước đây (2020, 2021,2022) của Hội đồng nhân dân TP.HCM, liên quan đến mức thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM.
Đặc biệt, trong Tờ trình số 9029, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã nêu rất cụ thể những bất cập về mức thu phí đối với các loại xe container chở hàng ra vào cảng Phú Hữu.
Theo Sở giao thông Vận tải TP.HCM, hiện nay, dự án BOT xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu (BOT Phú Hữu- TP.Thủ Đức) đã hoàn tất chuẩn bị đưa vào thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.
Đây là con đường độc đạo vào 2 bến cảng: Tân Cảng-Phú Hữu và Cảng Container quốc tế SP-ITC. Trong đó bến Tân Cảng - Phú Hữu là một phần của cảng Cát Lái, cảng Container lớn nhất Việt Nam. Bến cảng SP- ITC chính là cảng xuất nhập khẩu hàng hóa lớn thứ hai tại TP.HCM, là cửa ngõ để tiếp nhận và trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho các bến cảng ở Cái Mép- cảng nước sâu lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.
Đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng trung chuyển, hàng nhập khẩu, hàng xuất khẩu được vận chuyến từ các tỉnh phía Đông-Tây TP.HCM vào 2 cảng này, các phương tiện sẽ phải đóng tiền giá dịch vụ sử dụng dịch vụ đường bộ tại trạm BOT Xa lộ Hà Nội (155.000 đồng/lượt đối với xe tải trên 18 tấn và container 40 feet ) và Trạm thu phí Long Phước trên cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây (163.000 đồng/lượt/container rỗng, 342.000 đồng/lượt/container có hàng).
Hàng hóa được vận chuyển từ các tỉnh phía Nam vào TP. HCM sẽ nộp giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm BOT cầu Phú Mỹ (80.000 đồng/lượt xe); trạm BOT đường Nguyễn Văn Linh (35.000 đồng/lượt xe tải 18 tấn). Sau đó, khi hàng hóa vào các cảng Tân Cảng - Phú Hữu và cảng SP-ITC, dự kiến các phương tiện vận chuyển phải đóng giá dịch vụ sử dụng đường bộ của dự án BOT Phú Hữu 133.000 đồng/lượt với xe tải trên 18 tấn và container 40 feet.
Ngoài nộp giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm nêu trên, các doanh nghiệp còn phải đóng phí hạ tầng cảng biển khi đưa hàng vào và rời các cảng Tân Cảng - Phú Hữu và cảng SP-ITC với mức phí 250.000 đồng/container 20 feet và 500.000 đồng/container 40 feet. Điều này, sẽ tạo gánh nặng lớn cho doanh nghiệp về chi phí, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp nói riêng và của TP.HCM nói chung, nhất là đang trong giai đoạn hồi phục sau dịch Covid- 19.
Từ đó, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho rằng, cần xem xét giảm phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vào và rời Tân Cảng-Phú Hữu và cảng Container quốc tế SP-ITC bằng đường bộ, tương ứng với mức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại Trạm BOT Phú Hữu.
Được biết, Dự án BOT Phú Hữu có tổng mức đầu tư là 461 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu hơn 69 tỷ đồng (15%), vốn vay 392 tỷ đồng (85%). Dự án có quy mô đường bê tông xi măng rộng 30 m, dài 2,626 km, khởi công ngày 6/6/2012 và hoàn thành ngày 14/6/2014. Thời gian khai thác theo phương án hợp đồng là 24 năm.
Vicem Hà Tiên được UBND TP.HCM giao làm chủ đầu tư Dự án lắp đặt hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng (BOT Phú Hữu).
BOT Phú Hữu sẽ được lắp hệ thống thiết bị thu phí ETC cho 6 làn xe tại trạm thu phí, mỗi hướng 3 làn, có 1 làn hỗn hợp.
Tổng kinh phí thực hiện khoảng 15 tỷ đồng từ nguồn chi phí dự phòng của Dự án Xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu.