Thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ vận tải đường thủy tuy nhiên Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang (mã SKG) lại là một cái tên khá đặc biệt. Doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ vận tải đường thủy bằng tàu cao tốc và phà phục vụ hành khách đi tới các đảo Phú Quốc, Nam Du, Côn Đảo, Phú Quý và Hòn Nghệ.
Thành lập từ năm 2007 với vốn điều lệ chỉ 10 tỷ đồng, SKG ban đầu chỉ hoạt động khai thác tuyến Rạch Giá – Phú Quốc với duy nhất 1 tàu cao tốc Superdong I. Đến nay, SKG đã vận hành 16 tàu và 2 phà với sức chở tối đa gần 4.900 khách/lượt. Rạch Giá - Phú Quốc (40%), Rạch Giá - Nam Du (21%) và Hà Tiên - Phú Quốc (13%) là 3 tuyến đem về doanh thu chính cho SKG.
Nguồn: SKG
Trong quá khứ, SKG từng có giai đoạn 2013 - 2016 kinh doanh rất khởi sắc với doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng qua từng năm. Doanh nghiệp này đạt đỉnh lợi nhuận 213 tỷ đồng vào năm 2016 cùng biên lãi ròng cao ngất ngưởng 59,5%. Điều này đồng nghĩa với việc SKG thu 2 đồng lãi hơn 1 đồng vào thời điểm cực thịnh.
Tuy nhiên từ năm 2017, hai chỉ tiêu kinh doanh chính không còn đồng pha khi doanh thu tiếp tục tăng trưởng nhưng lợi nhuận lại đi lùi do cạnh tranh ngày càng cao. Đến năm 2019, SKG ghi nhận doanh thu cao kỷ lục 452 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 22% xuống mức 101 tỷ đồng, tương ứng biên lãi ròng co lại còn 22,3%.
Do ảnh hưởng của Covid-19 đến các hoạt động du lịch, kết quả kinh doanh 2 năm gần đây của SKG lao dốc chóng mặt. Doanh thu liên tục giảm xuống mức 167 tỷ đồng năm 2021 và không đủ bù đắp chi phí. SKG ghi nhận năm đầu tiên thua lỗ từ khi hoạt động với khoản lỗ ròng 39 tỷ đồng.
SKG kỳ vọng có lãi trở lại năm 2022
Theo BVSC, 3 tuyến đem về doanh thu chính cho SKG đều áp lực cạnh tranh cao do thị trường còn nhiều dư địa và rào cản gia nhập ngành không quá cao. Sức ép cạnh tranh đã khiến SKG phải giữ nguyên, thậm chí tăng cường giờ khởi hành để giữ thị phần, gây ảnh hưởng tới tỷ lệ lấp đầy và làm tăng giá vốn do nhiên liệu tiêu hao nhiều hơn. Các chi phí khác cũng tăng theo như chi phí nhân công, chi phí hoa hồng, chi phí quảng bá...
SKG cũng đã liên tục triển khai mở rộng các tuyến vận tải mới như tuyến Phan Thiết - Phú Quý (năm 2018), Phú Quốc - Nam Du (năm 2019) và Rạch Giá - Hòn Nghệ (năm 2020). Dù vậy, do ảnh hưởng của dịch bệnh và áp lực tăng giá đầu vào (dầu DO chiếm 50% giá vốn), trong khi nhu cầu còn yếu và tình hình cạnh tranh khiến công ty gặp khó khăn để chuyển áp lực tăng chi phí vào giá bán, dẫn đến doanh thu và lợi nhuận giảm.
Sang năm 2022, với kỳ vọng ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ hậu đại dịch, SKG đặt mục tiêu doanh thu 361 tỷ đồng, gấp đôi so với thực hiện năm trước. Doanh nghiệp cũng hy vọng có lãi trở lại với chỉ tiêu LNST dự kiến 19 tỷ đồng. Tín hiệu khởi sắc đã xuất hiện trong quý đầu tiên với khoản lãi 9 tỷ đồng. Với việc lượng hành khách đang dần hồi phục tại các tour du lịch nội địa, đồng thời quý 2 thường là quý có doanh thu và lợi nhuận cao nhất cả năm, BVSC đánh giá SKG có cơ sở để tăng trưởng trở lại.
Lần đầu không chia cổ tức từ khi lên sàn
Nhờ kinh doanh có lãi giai đoạn trước, SKG vẫn luôn duy trì chính sách cổ tức bằng tiền và cổ phiếu đều đặn hàng năm. Sau nhiều lần chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của doanh nghiệp hiện đạt mức 633 tỷ đồng.
Tuy nhiên, năm 2021 vừa qua là một năm đầy khó khăn với SKG với khoản lỗ ròng 39 tỷ đồng. Do đó, công ty đã đề xuất không chia cổ tức và được cổ đông thông qua. Đây là lần đầu tiên kể từ khi lên sàn năm 2014, doanh nghiệp này không chia cổ tức. Với kỳ vọng tình hình kinh doanh khởi sắc trở lại, SKG dự kiến sẽ nối lại hoạt động này với tỷ lệ 5% bằng tiền.
Lịch sử chi trả cổ tức của SKG
Hiện tại, SKG đang đầu tư hai phà cao tốc được đóng tại Malaysia. Bên cạnh đó, công ty cũng đang đầu tư khu phức hợp cảng Trần Đề (Sóc Trăng) để phục vụ cho tuyến Sóc Trăng - Côn Đảo. Dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 để đưa vào khai thác dịch vụ bến bãi, gia tăng tiện ích của khách hàng.