Giá dầu biến động mạnh trong nửa đầu năm 2022 đã khiến các doanh nghiệp kinh doanh đầu nguồn như Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) hay PV Gas báo lãi cao nhất lịch sử hoạt động. Tuy nhiên với các doanh nghiệp kinh doanh phân phối xăng dầu lại có sự phân hoá rõ rệt.
Cụ thể, trong 4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), CTCP Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu (mã PSH) báo lỗ trong khi Tổng công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PV Oil) và Tổng công ty Thương mại XNK Thanh Lễ - CTCP (Thalexim – mã TLP) báo lãi tăng mạnh so với cùng kỳ 2021. Hầu hết các doanh nghiệp đều tăng mạnh tồn kho tại thời điểm 30/6.
Petrolimex lỗ 140 tỷ quý II/2022
Quý II/2022, doanh thu hợp nhất của Tập đoàn Xăng dầu đạt gần 84.400 tỷ đồng, tăng gần 80% cùng kỳ năm trước, chia trung bình mỗi ngày Petrolimex thu về 937 tỷ đồng doanh thu, luỹ kế 6 tháng doanh thu của Petrolimex đạt 151.441 tỷ đồng, tăng gần 78% cùng kỳ 2021.
Do biến động giá xăng dầu, biên lợi nhuận của Petrolimex sụt giảm mạnh trong kỳ.
Công ty mẹ Petrolimex báo lỗ 747,66 tỷ đồng trong quý II/2022 trong khi cùng kỳ năm trước lãi 774 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất quý II lỗ 140,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 1.594 tỷ đồng.
Theo giải trình của Tập đoàn, trong quý 2/2022, giá dầu thô chịu ảnh hưởng trực tiếp xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina, các nước Tây Âu và Mỹ cấm vận dầu của Nga đã làm cho giá xăng dầu thế giới biến động thất thường. Theo đó, giá dầu thế giới (WTI) tăng từ 99,4 USD/thùng vào đầu quý 2 lên mức 122 USD/thùng (tăng 23%), sau đó giảm sâu còn 105,8 USD/thùng vào cuối tháng 6.
Do giá xăng dầu từ tháng 7/2022 được điều chỉnh giảm với biên độ lớn, để đảm bảo nguyên tắc thận trọng, công ty mẹ Petrolimex đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại 30/6/2022 trên cơ sở giá trị thuần có thể thực hiện được với lượng hàng tồn kho tại ngày lập báo cáo tài chính với giá trị trích lập dự phòng 1.259 tỷ đồng. Nếu không trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho thì lợi nhuận trước thuế 6 tháng của công ty mẹ là 295 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Petrolimex tăng cường nhập khẩu nhập bù đắp nhu cầu tiêu dùng xã hội trong chu kỳ giá thế giới tăng cao để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cho xã hội, đảm bảo không bị đứt gãy việc cung ứng xăng dầu cho nhu cầu thiết yếu của người dân, doanh nghiệp tại những thời điểm khó khăn. Do đó biên lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh xăng dầu trong quý 2/2022 bị suy giảm lớn.
Kết quả kinh doanh hợp nhất của Petrolimex
Tại thời điểm 30/6/2022, tổng tài sản của Petrolimex đạt hơn 81.000 tỷ tăng đáng kể so với số đầu năm, chủ yếu tăng mạnh tồn kho lên gần 1 tỷ USD (22.000 tỷ) tăng 68% so với số đầu năm. Petrolimẽ hiện có 16.500 tỷ tiền và tiền gửi ngân hàng, giảm nhẹ so với số đầu năm.
PV Oil lãi trước thuế 620 tỷ, tăng gần 90% cùng kỳ năm trước
Doanh thu bán hàng của PV Oil đạt hơn 30.400 tỷ trong quý 2, tăng 126% cùng kỳ năm trước, luỹ kế 6 tháng doanh thu của PV Oil đạt hơn 53.700 tỷ, hơn gấp đôi cùng kỳ 2021.
Mặc dù biên lợi nhuận không bằng cùng kỳ năm ngoái, các loại chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng song lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 2/2022 của PV Oil đạt 620 tỷ đồng, tăng gần 90% cùng kỳ năm trước, luỹ kế 6 tháng đạt 974 tỷ đồng, tăng hơn 82%.
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của PV Oil đạt 510 tỷ đồng, tăng 87% cùng kỳ năm trước, luỹ kế 6 tháng đạt 793 tỷ đồng, tăng hơn 70%.
Số liệu thống kê cho thấy hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều tăng mạnh tồn kho tại thời điểm 30/6, tồn kho của PV Oil đạt hơn 5.300 tỷ gấp đôi số đầu năm. Tổng tài sản đạt 33.600 tỷ tăng 23,5% so với đầu năm.
CTCP Thương mại dầu khí Nam Sông Hậu (PSH): Quý II/2022 lỗ hơn 300 tỷ trước thuế
PSH Petro, đơn vị sở hữu 52 chi nhánh bán lẻ xăng dầu tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long đạt 1.737 tỷ đồng doanh thu quý II/2022, tăng 43% cùng kỳ năm trước, luỹ kế 6 tháng đạt 4.094 tỷ đồng, tăng hơn 38%.
Giá vốn tăng mạnh khiến PSH Petro kinh doanh dưới giá vốn, biên lợi nhuận gộp -10,8%.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế của công ty lỗ 302 tỷ trước thuế quý II, 6 tháng lỗ trước thuế 287 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 lãi hơn 115 tỷ.
Lợi nhuận sau thuế quý 2 lỗ 265 tỷ, 6 tháng lỗ 251 tỷ đồng.
Theo giải trình của PSH, nguyên nhân công ty lỗ là do biến động giá xăng dầu trên thế giới và trong nước quý 2/2022 tăng cao hơn cùng kỳ 2021, làm ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành nguyên vật liệu đầu vào của công ty. Cộng với việc tăng mạnh chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp dẫn đến tổng chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh quý 2/2022 tăng cao hơn cùng kỳ 2021.
Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của PSH Petrol đạt 10.642 tỷ đồng, tăng mạnh so với đầu năm, tồn kho 5.800 tỷ tăng hơn 700 tỷ so với đầu năm, nợ vay 4.200 tỷ.
Tổng công ty thương mại XNK Thanh Lễ - CTCP (Thalexim - mã TLP)
Thalexim đạt doanh thu 6.468 tỷ đồng trong quý II/2022, tăng 74,6% cùng kỳ năm trước, luỹ kế 6 tháng đạt 10.941 tỷ đồng tăng 65% cùng kỳ năm trước.
Mặc dù chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm trước song Thalexim vẫn lãi 38 tỷ trước thuế và 35 tỷ sau thuế trong quý 2, mặc dù cùng kỳ năm ngoái lỗ. Luỹ kế 6 tháng, Thalexim lãi 104 tỷ trước thuế và 99 tỷ đồng sau thuế, tăng mạnh so với cùng kỳ 2021.
Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của Thalexim đạt 9.300 tỷ đồng, tiền và tương đương tiền còn 724 tỷ đồng tăng nhẹ so với đầu năm. Tồn kho hơn 2.700 tỷ.