Ngành logistics chứng kiến kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý 1/2021, thống kê của người viết cho thấy hầu hết các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đều cải thiện mạnh mẽ so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp vận hành cảng biển báo cáo sản lượng hàng hoá qua cảng tăng mạnh, điều này kéo theo doanh thu khai thác cảng tăng.
CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (DVP) cho biết sản lượng qua cảng tăng 24%, doanh thu quý 1 đạt 132 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đem về 65 tỷ đồng, tăng 17%.
Kịch bản tương tự diễn ra tại CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH), doanh thu 359 tỷ đồng, tăng 28%; lợi nhuận trước thuế 102 tỷ đồng, tăng mạnh 183%. Hải An cung cấp dịch vụ cảng biển, kho bãi, và vận tải đường biển nội địa – quốc tế (chủ yếu đi Trung Quốc). Công ty này vừa mới đầu tư tăng công suất đội tàu.
CTCP Container Việt Nam (Viconship – VSC) khai thác các cảng GreenPort, bãi container và vận tải container đường bộ. Doanh thu quý 1 đạt 435 tỷ đồng, tăng 6%; lợi nhuận trước thuế 89 tỷ đồng, tăng 9%.
Đáng chú ý là trường hợp của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines – MVN) tên tuổi lớn trong ngành. Cơ sở hạ tầng của công ty này rất lớn với nhiều cảng biển phân bổ khắp cả nước. Doanh thu quý 1 của Vinalines đạt 2.630 tỷ đồng, tăng 11%; lợi nhuận trước thuế tăng mạnh đạt 431 tỷ đồng, gấp 12 lần cùng kỳ.
CTCP Cảng Hải Phòng (PHP), hoạt động kinh doanh cảng tăng 72 tỷ đồng doanh thu, tương ứng tăng 16%. Lợi nhuận gộp cải thiện và tăng doanh thu tài chính giúp lợi nhuận trước thuế tăng mạnh 40%, đạt 215 tỷ đồng.
CTCP Cảng Sài Gòn (SGP) báo doanh thu dịch vụ khai thác cảng tăng hơn 73 tỷ đồng, tổng doanh thu quý 1 ghi nhận 317 tỷ đồng, tăng 30%. Lợi nhuận gộp tăng tới 40%, cùng với lợi nhuận trong liên doanh liên kết cải thiện mạnh mẽ (từ lỗ 19 tỷ đồng thành lãi 26 tỷ đồng) giúp cho lợi nhuận trước thuế thu về 115 tỷ đồng, tăng 153%.
Đối với những công ty chuyên về vận tải đường biển, như trường hợp của CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco – VOS), doanh thu dù giảm 26% đạt 255 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận gộp báo dương 4 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 24 tỷ đồng. Hệ quả là mức thua lỗ giảm từ 86 tỷ đồng xuống chỉ còn lỗ hơn 19 tỷ đồng.
Hay như tại Tổng công ty Vận tải Dầu khí (PV Trans – PVT) sở hữu đội tàu vận tải hàng lỏng lớn nhất Việt Nam, doanh thu quý 1 đạt 1.717 tỷ đồng, tăng 9%. Lợi nhuận gộp tăng 16%, tiết giảm chi phí và giảm lỗ tỷ giá, lãi thanh lý tài sản 39 tỷ đồng giúp cho lợi nhuận trước thuế công ty này tăng mạnh 95%, đạt 234 tỷ đồng.
Chuyên cung cấp dịch vụ vận tải, logistics đường bộ, doanh thu mảng dịch vụ của Tổng CTCP Bưu chính Viettel (Viettel Post – VTP) tăng 16% đạt 1.608 tỷ đồng. Nhưng công ty cho biết lợi nhuận quý 1 tăng đến từ việc tối ưu và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Lợi nhuận trước thuế quý 1 ghi nhận 136 tỷ đồng, tăng 12%.
Nhóm các công ty cung cấp dịch vụ logistics đa dạng (từ khai thác cảng, kho bãi, vận tải..) quy mô tương đối lớn tại Việt Nam như Tổng công ty Kho vận Miền Nam (Sotrans – STG), CTCP Gemadept (GMD), hay CTCP Transimex (TMS) cũng thể hiện được sức tăng trưởng ấn tượng.
Doanh thu của Sotrans đạt 588 tỷ đồng, tăng 42%; lợi nhuận trước thuế 75 tỷ đồng, gấp 8 lần cùng kỳ. Bên cạnh hoạt động kinh doanh chính khởi sắc, một phần công lớn cũng đến từ nhóm liên doanh liên kết đang lỗ 27 tỷ đồng thành lãi 7 tỷ đồng.
Doanh thu của Gemadept đạt 687 tỷ đồng, tăng 14%. Việc giảm chi phí tài chính, tiết giảm chi phí hoạt động và lợi nhuận khác giúp cho công ty báo lãi trước thuế 192 tỷ đồng, tăng mạnh 36%.
Hay như Transimex doanh thu quý 1 ghi nhận 1.085 tỷ đồng, tăng 106% so với cùng kỳ. Lãi trong công ty liên kết đạt 44 tỷ đồng, tăng 51%, giúp cho lợi nhuận trước thuế đạt 116 tỷ đồng, tăng 78%.
Quý 1/2021 ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động xuất, nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 152,65 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ. Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22%; nhập khẩu hàng hóa đạt 75,31 tỷ USD, tăng 26,3%