Thông tin về cơ chế DPPA (hợp đồng mua bán điện trực tiếp) rộ lên khi tờ Nikkei Asia Review mới đây đưa tin tập đoàn điện tử đến từ Hàn Quốc - Samsung đang muốn tham gia thí điểm mua năng lượng tái tạo trực tiếp từ các nhà sản xuất tại Việt Nam. Tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, phía Samsung cũng đề xuất được hướng dẫn hỗ trợ trong việc triển khai thí điểm cơ chế DPPA.
Khách hàng lớn ủng hộ
Thực tế, cơ chế DPPA đã được Bộ Công Thương và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) phối hợp xây dựng dựa trên trao đổi song phương từ đầu năm 2016. Theo đó, Cục Điều tiết Điện lực được giao làm đầu mối triển khai. Năm 2017, nhóm tư vấn đầu tiên thực hiện rà soát khung pháp lý cho các bước tiếp theo. Tiếp đó, dấu mốc quan trọng là một sự kiện bên lề vào tháng 11-2017 với lễ ký kết của một số doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ủng hộ cơ chế này dưới sự chứng kiến của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam và đại diện Bộ Công Thương. Cho đến nay, không ít DN nước ngoài như Adidas, Nike, Heineken… vẫn tiếp tục bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ với cơ chế này và mong sớm đưa vào vận hành.
Mua bán điện trực tiếp vẫn cần sự tham gia của EVN với vai trò cơ quan truyền tải Ảnh: HOÀI DƯƠNG
Bà Vũ Thị Hương Giang, Giám đốc đối ngoại Nike Việt Nam, cho biết công ty này có 105 nhà máy đối tác sản xuất giày dép, quần áo, trang thiết bị thể thao tại Việt Nam với hơn 400.000 người lao động. Cứ 2 đôi giày Nike trên toàn cầu thì 1 đôi được sản xuất tại Việt Nam. Vì thế, tỉ trọng sử dụng năng lượng tại Việt Nam của DN FDI này rất cao. "Từ nay đến năm 2025, Nike đặt mục tiêu giảm 6% phát thải CO2 nhờ điện mặt trời áp mái và 5% CO2 từ thí điểm DPPA tại các nhà máy đối tác. Vì Việt Nam là nơi cung ứng lớn nhất của Nike nên việc triển khai lộ trình này ở Việt Nam có ý nghĩa to lớn, tác động đến cam kết toàn cầu của chúng tôi" - đại diện Nike thông tin.
Theo giải thích của Nike, trong nhiều năm qua, công ty này đã thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng, sử dụng điện mặt trời áp mái nhưng gặp hạn chế bởi việc phát điện phụ thuộc thời tiết, ngày/đêm và chất lượng mái nhà xưởng. Do vậy, phương thức quan trọng nhất để tiến tới năng lượng xanh là thông qua thỏa thuận mua bán điện từ nguồn năng lượng tái tạo. Đây cũng là phương thức đã được DN này thực hiện ở châu Âu, Bắc Mỹ. "Chúng tôi cũng thảo luận chủ đề này với các công ty khác như Google, Apple, ABB Hitachi, First Solar, Heineken… Theo đó, chúng tôi cho rằng chính sách của Chính phủ Việt Nam đóng vai trò vô cùng quan trọng để có thể thực hiện được cơ chế này" - đại diện Nike kiến nghị.
Tương tự, Heineken Việt Nam cam kết mục tiêu đến năm 2025, hướng tới sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Năm 2030, trung hòa carbon trong sản xuất và năm 2040 trung hòa carbon trong toàn bộ chuỗi giá trị. Từ đó, DN này cũng cho rằng một trong những giải pháp quan trọng là thực hiện cơ chế DPPA.
Đâu là lợi ích?
Trong khi khách hàng lớn tỏ ra hứng thú với cơ chế DPPA thì nhiều khách hàng khác, đặc biệt là khách hàng nhỏ, vẫn còn băn khoăn. Đại diện một DN nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam cho hay có nhận được bản dự thảo lấy ý kiến của Bộ Công Thương về cơ chế mua bán điện trực tiếp. Tuy nhiên, DN chưa rõ việc áp dụng cơ chế thí điểm mới này so với cách làm hiện tại có lợi gì cho người dùng cuối cùng, nên chưa mặn mà tham gia. Đồng thời, DN cũng e ngại thủ tục phức tạp có thể làm hạn chế sự tham gia của bên mua.
Một số DN trong nước băn khoăn nên hay không mua điện trực tiếp từ các đơn vị sản xuất điện tái tạo. Lý do, theo DN, nếu mua điện từ nguồn này sẽ tự đầu tư hoặc thuê dịch vụ truyền tải, phân phối, một số dịch vụ phụ trợ khác… trong khi nếu mua điện của điện lực thì được đầu tư đến tận cửa mà không phải tốn bất kỳ chi phí trung gian nào. Như vậy, giá mua điện trực tiếp không chắc rẻ hơn giá mua của điện lực.
Một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cho hay thực chất nguyên tắc thiết kế cơ chế DPPA cho phép các DN lớn được mua điện tái tạo cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh nhằm đáp ứng những cam kết của họ về môi trường và phát triển bền vững. Đồng thời, sản phẩm được sản xuất theo các tiêu chuẩn xanh, có thể được dán nhãn sinh thái cũng giúp DN bán được giá cao hơn, thu lợi nhiều hơn. Do đó, DN lớn, DN đa quốc gia thường hứng thú với cơ chế này hơn DN nhỏ.
"Cơ chế DPPA sẽ không thể vận hành nếu thiếu sự tham gia của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vì không có EVN sẽ không thể truyền tải được. Chỉ khác là EVN và các công ty thành viên sẽ đóng vai trò nhà cung ứng dịch vụ thay vì là người bao tiêu. Một vấn đề khác cần lưu ý là DN áp dụng DPPA với thuần điện tái tạo và có khả năng phải chi trả thêm chi phí cân bằng phụ tải nếu huy động quá lớn ở một nguồn, gây mất cân bằng.
Trong khi đó, các tổng công ty điện huy động từ nhiều nguồn có thể bù đắp và ổn định hơn. Nói cách khác, chi phí cho cơ chế DPPA có thể lớn hơn chi phí mua điện thông thường. Tuy nhiên, DN vẫn muốn áp dụng bởi nó phục vụ các mục đích, thỏa thuận của họ. Còn Chính phủ hỗ trợ các giải pháp cùng những vấn đề pháp lý cho cơ chế này cũng là hỗ trợ thu hút dòng vốn từ nước ngoài" - chuyên gia này phân tích và cho rằng dù sao cơ chế này cũng góp phần thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh.
GS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, đánh giá hình thức này nếu được áp dụng sẽ giúp DN sản xuất năng lượng tái tạo lẫn DN sử dụng điện có thêm lựa chọn đơn vị cấp điện cho mình. Ngoài ra, đây cũng có thể là một lối thoát cho các nhà sản xuất năng lượng tái tạo trong bối cảnh bùng nổ các dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo trong thời gian qua dẫn đến sản lượng dư thừa, nhiều dự án buộc phải cắt bớt công suất, ảnh hưởng đến nguồn thu và kế hoạch tài chính của các nhà đầu tư năng lượng tái tạo. "Tuy nhiên, điều quan trọng là các bên phải ngồi lại với nhau, bên thứ 3 làm nhiệm vụ truyền tải phải có cam kết rõ ràng về khả năng truyền tải để bảo đảm đủ sản lượng điện từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ theo đúng hợp đồng" - GS Trần Đình Long lưu ý thêm.
Còn nhiều vấn đề
Các chuyên gia lưu ý khi lựa chọn mô hình thí điểm DPPA cần quan tâm đến các tác động về kinh tế, chi phí, các vấn đề về thuế. Mặc dù cơ chế này hấp dẫn với các nhà đầu tư và khách hàng mua điện lớn và phù hợp các cấu trúc thị trường điện hiện hành trong tương lai nhưng cần rà soát kỹ hơn về pháp lý, bổ sung các quy định liên quan đến quản lý ngành.
Bên cạnh đó, điểm tồn tại lớn hiện nay là quá tải lưới điện khiến nguồn điện mặt trời không thể huy động được. Nếu thực hiện cơ chế DPPA thì việc này vẫn không thể giải quyết được, thậm chí khi mua bán trực tiếp sẽ gia tăng thêm nhiệm vụ điều tiết điện trên thị trường cạnh tranh.