Khách nội địa tăng trưởng bình quân 15%/năm
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, giai đoạn 2011 - 2019, khách nội địa tăng trưởng tích cực, đóng góp quan trọng vào tổng thu của ngành du lịch.
Nếu như năm 2011 khách nội địa mới chỉ đạt 30 triệu lượt thì đến năm 2019 con số này đã tăng lên 85 triệu lượt (gấp hơn 2,8 lần), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 15%/năm. Mốc tăng trưởng mạnh nhất của khách nội địa là năm 2015, với 57 triệu lượt khách, tăng 50% so với năm 2014 và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong các năm tiếp theo.
Với sự tăng trưởng cao về lượng (số lượt khách), mức chi tiêu, thời gian chuyến đi và lưu trú, khách nội địa ngày càng có đóng góp tích cực vào tổng thu của ngành du lịch. Năm 2015, khách nội địa mới chỉ đóng góp 158.000 tỷ đồng vào tổng thu toàn ngành, đến năm 2019 tăng lên 334.000 tỷ đồng (tương đương 14,5 tỷ USD), tăng 2,1 lần, tăng trưởng bình quân đạt khoảng 20,5%/năm. Thu từ khách nội địa chiếm khoảng 41 - 44% trong cơ cấu tổng thu toàn ngành.
Trao đổi với phóng viên VTV, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, thời gian qua, chúng ta đang chú ý nhiều hơn đến việc khai thác khách quốc tế mà chưa chú ý nhiều đến du lịch nội địa.
"Tác động của đại dịch COVID-19 buộc ngành du lịch và cả cộng đồng doanh nghiệp làm công tác du lịch phải nhìn lại thị trường này, từ đó thấy rõ, du lịch nội địa là một hướng đi căn cơ và nó là trụ đỡ cho việc phát triển du lịch có tính chất bền vững" – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Cần phát triển các sản phẩm phù hợp với chi tiêu của du khách nội
Thời gian chuyến đi và mức chi tiêu bình quân/ngày của khách du lịch nội địa ngày càng có xu hướng tăng cao.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, thời gian chuyến đi bình quân của một khách nội địa là 3,7 ngày, chi tiêu bình quân của một khách nội địa khoảng từ 1,0 - 1,6 triệu đồng/ngày.
Khách nội địa ngày càng có nhu cầu sử dụng dịch vụ của các cơ sở lưu trú. Năm 2017, khách có sử dụng dịch vụ lưu trú đạt khoảng 35,7/73 triệu lượt khách, năm 2018 tăng lên 38,6/80 triệu lượt và năm 2019 tiếp tục tăng lên 48,3/85 triệu lượt.
Những con số này cần được các doanh nghiệp lữ hành chú ý đến để xây dựng những sản phẩm dịch vụ phù hợp với khả năng chi trả của khách.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên - Tổng Giám đốc Công ty lữ hành Saigontourist cho biết: "Công ty đồng thời mở rộng các tour nội vùng, các tour liên kết vùng giữa các địa phương, cải tiến các tour dành cho khách quốc tế trước đây cho du khách Việt nam với những trải nghiệm mới theo hành trình Ta đi tour Tây".
Còn bà Nguyễn Lê Hương – Phó Tổng Giám đốc Vietravel Holdings cho rằng: "Đối với du lịch nội địa, chúng ta cần đa dạng sản phẩm hơn nữa để không chỉ phục vụ cho những người có tiền mà còn phục vụ cho 90 triệu người dân".
Theo các chuyên gia, nếu dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát vào cuối năm nay, nó vẫn để lại dư địa ảnh hưởng trong vài năm tiếp theo với ngành công nghiệp không khói toàn cầu.
Thế nên, du lịch nội địa vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong thời gian tới. Điều mà các doanh nghiệp trong ngành cần làm là tự tái cơ cấu, định vị lại thị trường và phát triển các sản phẩm phù hợp với chi tiêu của khách du lịch trong nước.