Thực tế cho thấy, trong giai đoạn diễn ra dịch Covid-19, du lịch là một trong những ngành bị tác động mạnh nhất, nhiều lao động mất việc làm, các doanh nghiệp đóng cửa, dừng toàn bộ hoạt động và rơi vào trạng thái ngủ đông.
Chưa kể, sau khi dịch được khống chế, phần lớn nền kinh tế đều rơi vào khủng hoảng, nguồn chi cho hoạt động phúc lợi gần như không có, từ hoạt động của công ty cho đến cá nhân. Dẫn đến nhu cầu đi du lịch sẽ bị giảm rất nhiều. Do đó, các doanh nghiệp du lịch cả giai đoạn trong và sau dịch đều thiệt hại rất nghiêm trọng.
Tuy nhiên, để khắc phục thực trạng trên, hiện tại, đa số công ty du lịch vẫn chưa có một giải pháp nào cụ thể ngoài việc các doanh nghiệp tạm thời dừng hoạt động. Bên cạnh đó mong muốn có được những hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Sử dụng nguồn tiền ký quỹ
Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, ông Hồ Xuân Phúc, Tổng giám đôc Công ty Cổ phần Du lịch Thương mại và Đầu tư Hà Nội (HANOTOURS) cho rằng, ngay sau khi dịch kết thúc, các doanh nghiệp cần tái cơ cấu lại hoạt động của mình, từ việc tái cơ cấu lại hoạt động văn phòng, các chính sách sản phẩm, cần cân nhắc lựa chọn để hạn chế những thiệt hại trong quá trình hồi phục hoạt động kinh doanh.
Theo ông Phúc, với các doanh nghiệp khách nhau, sẽ có quy mô triển khai khác nhau dựa trên phân khúc khách hàng, năng lực tài chính, sức khỏe doanh nghiệp hiện tại... Ví dụ, đối với HANOTOURS sẽ tập trung vào các nội dung chính như cơ cấu nhân sự.
Có những nhân sự trước đây được sử dụng cho vị trí công việc hỗ trợ. Sau dịch bệnh những trường hợp này phải điều chỉnh, yêu cầu nhân sự ở phòng ban khác làm thêm công việc để giảm bớt những nhân sự hỗ trợ đi. Giảm chi phí cố định của doanh nghiệp, hỗ trợ nguồn vốn xoay vòng", ông Phúc cho hay.
Đồng thời, về chính sách giá và sản phẩm, công ty đã làm việc cùng các nhà cung cấp, từ đó đưa ra mức giá, dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Điều này sẽ giúp tạo ra nhu cầu thị trường, kích thích tiêu dùng, giúp doanh nghiệp tiếp cận, huy động nguồn tiền trong dân, có nguồn thu tạo đà phát triển hậu Covid-19.
Bên cạnh đó, vấn đề tái cơ cấu về định hướng thị trường cũng cần được chú trọng. Trong giai đoạn vừa rồi, không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới đều có ca dương tính với Covid-19.
Vì vậy, công ty du lịch phải lựa chọn xem những thị trường nào an toàn, có thể triển khai bán hàng; đưa du khách tới cần ưu tiên làm trước. Còn những khu vực có tình hình phức tạp hơn thì nên tạm dừng một thời gian.
Tổng giám đốc HANOTOURS nhận định, để làm được điều này, ngành du lịch mong muốn nhận được hỗ trợ từ chính phủ, từ ngân hàng. Các doanh nghiệp hy vọng ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với các công ty du lịch bởi vì đây là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất. Mức lãi suất xin giảm so với các đơn vị kinh doanh khác là 30%.
Đồng thời, doanh nghiệp lữ hành quốc tế hiện tại có khoản tiền ký quỹ bắt buộc tại ngân hàng, và được thỏa thuận lãi suất với ngân hàng. Nhưng xét về lãi suất gửi thấp hơn lãi suất đi vay, chính vì vậy, chúng tôi mong muốn chính phủ, ngân hàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp lữ hành quốc tế được phép vay lại tiền ký quỹ của mình, dùng tiền đó để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp", ông Phúc đề nghị.
Ngoài ra, Tổng giám đôc Công ty Cổ phần Du lịch Thương mại và Đầu tư Hà Nộị cũng đề nghị chính phủ lùi thời hạn đóng bảo hiểm xã hội, miễn giảm bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động. Giảm thuế VAT hoặc miễn trong một thời gian cố định sau dịch bệnh, giúp cho giá thành sản phẩm du lịch giảm xuổng, kích thích nhu cầu du lịch, cứu sống doanh nghiệp du lịch sau đại dịch.