Doanh nghiệp “thất thủ” trước “cò lúa”
Ở nhiều vùng lúa thuộc tỉnh Hậu Giang, mặc dù vụ đông xuân 2017-2018 vẫn chưa xuống giống nhưng những ngày gần đây, “cò lúa” đã ráo riết tìm gặp ND để đặt tiền cọc trước. Có trường hợp “cò lúa” sẵn sàng đặt cọc cao hơn tiền đặt cọc của các công ty, doanh nghiệp bao tiêu.
Nhiều diện tích lúa của ND Hậu Giang phần lớn đều thông qua “cò”. Ảnh: HUỲNH XÂY
Ông Trương Thành Huy - Giám đốc HTX Bắc Xà No (xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy) cho hay: “Vụ đông xuân sắp tới, HTX được Công ty Lương thực Sông Hậu hợp đồng bao tiêu lúa và sẽ đặt tiền cọc trước cho ND là 300.000 đồng/1.000m2 (công). Nhưng, mấy ngày nay, có thông tin “cò lúa” tìm đến ND trong HTX thương thảo đặt cọc trước 500.000 đồng/công nên đã có hộ chấp nhận”.
Còn ông Dương Sơn Thủy - Phó Giám đốc HTX Phước Trung (ấp Trường Phước A, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành) thông tin: “Ban đầu, HTX định phối hợp với liên doanh Công ty Lương thực Miền Nam (VinaFood 2), Công ty Lương thực Sông Hậu và Công ty TNHH Bayer triển khai thí điểm mô hình “Sản xuất lúa gạo bền vững theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Mô hình triển dự định triển khai trên diện tích 200ha nhưng chỉ làm được 150ha. Theo ông Thủy, nguyên nhân là “cò lúa” đã đi đặt cọc với nhiều hộ dân ngay từ khi chưa xuống giống.
Trước đây, “cò lúa” chỉ “tung hoành” tại vùng lúa doanh nghiệp không bao tiêu. Tuy nhiên, gần đây, tình trạng này diễn ra ngay cả những vùng mà trước đó đã có công ty, doanh nghiệp tiến hành ký kết bao tiêu.
Đề xuất giải pháp tránh “bẻ kèo”
Theo Công ty Lương thực Sông Hậu, phía công ty thường gặp trường hợp ND bẻ kèo do “cò lúa”. Chẳng hạn, trong vụ lúa đông xuân 2016-2017, ban đầu công ty hợp đồng thu mua lúa cho bà con được gần 200ha nhưng đến ngày thu hoạch chỉ mua được gần 100ha vì bà con đã nhận tiền cọc từ “cò lúa”.
“Chúng tôi thường xuyên bị “cò lúa” hớt tay trên trong việc thu mua lúa trong dân. Dù bị “bẻ kèo” nhưng không thể nào kiện bà con” - ông Nguyễn Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Lương thực Thực phẩm Miền Tây chia sẻ.
Để phần nào tháo gỡ tình trạng trên, Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang đã có nhiều cuộc họp với các công ty, HTX trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nhiều ý kiến đề xuất các công ty, doanh nghiệp cần thay đổi chính sách thu mua lúa. Thay vì để cận với ngày thu hoạch mới đặt cọc (thường là 5 ngày) thì phải thực hiện sớm hơn.
Ông Tuấn đề xuất với ngành chức năng, các địa phương và HTX, khi chuẩn bị vào vụ thu hoạch lúa thì mời tất cả doanh nghiệp và “cò lúa” đến để các bên cùng đưa ra mức giá thu mua (đấu giá). Khi đã chọn được mức giá phù hợp của đơn vị nào, vùng lúa đó sẽ để đơn vị đó thu mua nhằm tránh tình trạng “bẻ kèo”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, “cò lúa” đặt tiền cọc mua lúa ngay cả khi chưa xuống giống vụ lúa đông xuân 2017-2018 là do dự báo tình hình xuất khẩu gạo vào những tháng đầu năm 2018 sẽ tương đối thuận lợi.