Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 6/9, một doanh nghiệp vận tải chở hàng thiết yếu (trụ sở tại huyện Thanh Trì) cho biết, từ sáng các xe ô tô chuyển hàng đều bị chặn lại không cho lưu thông. Cán bộ chốt tại thôn, xã cho biết, do trên địa bàn huyện Thanh Trì không doanh nghiệp nào đủ điều kiện lưu thông nên hiện tại các xe chưa được phép di chuyển. Được biết, tất cả các xe tải của DN này đều được đăng ký luồng xanh, toàn bộ lái xe đều có giấy test PCR đảm bảo các quy định lưu thông. Lãnh đạo DN bức xúc: “Việc chặn xe khiến cho hàng hóa bị ùn ứ, không giao được đến các điểm siêu thị sẽ gây thiệt hại nặng cho DN. Chưa kể đứt gãy chuỗi hàng hóa thiết yếu”.
Một DN sữa hạt tại quận Long Biên cho biết thêm, hơn 1 tuần nay DN phải sản xuất cầm chừng do bộ phận giao hàng chưa được cấp phép hoạt động. Theo lãnh đạo DN, các mẫu thông tin về shipper đã được gửi lên Sở Công Thương duyệt. Đến thời điểm này Sở Công Thương đã gửi danh sách cho Sở Giao thông Vận tải để cấp phép. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả phản hồi. “Khi hỏi hồ sơ, Sở Công Thương chỉ sang Sở Giao thông Vận tải nhưng chúng tôi cũng không có đầu mối nào ở Sở này để hỏi tiến độ”, lãnh đạo DN sữa hạt thông tin.
Đại diện UBND huyện Thanh Trì khẳng định, ngày 6/9 và 7/9 các giấy phép đi đường cũ vẫn được sử dụng, huyện chỉ kiểm tra nhắc nhở các trường hợp ra đường, các phương tiện luồng xanh vẫn được lưu thông bình thường. “Nếu có chuyện làm khó DN luồng xanh, cản trở lưu thông hàng hóa thiết yếu, chúng tôi sẽ kiểm tra xử lý ngay”, lãnh đạo huyện khẳng định.
Tối 5/9, thông tin tại cuộc họp giao ban Sở Chỉ huy thành phố Hà Nội với các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, biện pháp cấp giấy đi đường là vấn đề mới, việc khó, chưa từng có tiền lệ, quan điểm mục tiêu quản lý vùng 1 thực chất hơn, giảm lượng người ra đường, tuy nhiên thành phố cũng xác định làm quyết liệt nhưng không cầu toàn.
Để chuẩn bị chu đáo cho công tác cấp giấy đi đường theo quy trình mới và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, trong 2 ngày 6 và 7/9, các lực lượng chức năng của thành phố chỉ kiểm tra nhắc nhở, xử phạt đối với những trường hợp ra đường không có lý do chính đáng.
Khi vận hành các chốt, vùng 1, 2, 3 thì thành phố sẽ tiến hành theo cách linh hoạt, chủ yếu kiểm tra, nhắc nhở, đồng thời từ thực tế việc lưu thông của người dân theo giấy đi đường mới sẽ đánh giá, phân tích để đưa ra biện pháp tối ưu.
Người dân, doanh nghiệp có thể liên hệ Tổng đài 1022 - Nhánh 4 để được hướng dẫn cụ thể.
Trước đó, thành phố Hà Nội đã quyết định phương án phòng, chống dịch từ ngày 6 đến 21/9 bằng cách thiết lập 3 vùng, gồm: Nội đô là khu vực mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ; phía Bắc sông Hồng, nơi tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp; và vùng phía Tây, phía Nam, tập trung các khu vực sản xuất nông nghiệp.
Trên cơ sở phân vùng, "vùng đỏ" tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 và một số biện pháp ở mức cao hơn, với nguyên tắc "ai đâu ở đó", dập dịch triệt để.
Công an TP đã triển khai 39 chốt trực tại "vùng đỏ”, trong đó 21 chốt cấp TP tại vị trí có mật độ giao thông cao; 9 chốt do quận, huyện quản lý và 9 chốt do xã, phường, thị trấn quản lý.
Tại các chốt, cảnh sát sẽ dừng phương tiện, đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế, kiểm tra giấy đi đường, kiểm tra phương tiện được phép vận chuyển hàng hóa thiết yếu.
Sở Xây dựng tiến hành lắp đặt 30 chốt cứng tại 30 điểm cầu trên địa bàn TP. Người dân không di chuyển qua các chốt cứng này.
Sở GTVT cũng công bố phương án cụ thể hướng dẫn tổ chức giao thông cho người dân ra vào các phân vùng trên địa bàn TP.