Tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp cho dự án Luật Chăn nuôi (sửa đổi) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, ông Lê Giang, Giám đốc Công ty Thương mại và Đầu tư Vĩnh Giang cho rằng, hiện nay trong Luật Chăn nuôi đang thiếu quy định về quản lý xuất nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong khi 80% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều phải nhập khẩu.
Không hài lòng về thủ tục kiểm tra chuyên ngành hiện nay, ông Giang cho rằng, hiện nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đang được quản lý thiếu rõ ràng, quy định về vấn đề này nằm rải rác ở các văn bản khác nhau, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi nhập khẩu nguyên liệu thức ăn phục vụ cho sản xuất.
Kiểm tra chuyên ngành đang "làm khó" nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu(Ảnh minh họa: KT)
Đặc biệt, theo ông Giang, khâu quản lý chuyên ngành đối với nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như hiện nay là đang tạo ra rào cản lớn cho doanh nghiệp, khiến cho doanh nghiệp mất thêm rất nhiều thời gian, chi phí.
Ông Lê Giang cũng bày tỏ sự bất đồng khi cơ quan quản lý chuyên ngành thức ăn chăn nuôi mà quản lý cả đầu vào và đầu ra. Theo ông Giang, 1 năm doanh nghiệp của ông mất hơn 1 tỷ đồng chỉ để “phục vụ” cho khâu kiểm tra chuyên ngành, chi phí lưu kho lưu bãi, cùng với nhiều chi phí phát sinh khác.
“Thực tế này khiến các doanh nghiệp không thể nâng cao sức cạnh tranh, đồng thời ảnh hưởng dây chuyền đến các khâu khác. Tôi không thấy ở đâu doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều loại chi phí “râu ria” khác như ở Việt Nam”, ông Giang bức xúc.
Đối với quy trình thông quan, ông Giang cho rằng cần phải rõ ràng chặt chẽ, tránh tình trạng cùng một lô hàng nhưng đến 2 cơ quan kiểm dịch và kiểm tra chất lượng, khiến việc kiểm tra cứ kéo dài lê thê làm cho doanh nghiệp mất thời gian và mệt mỏi.
Chính vì vậy, ông Giang mong muốn, Luật Chăn nuôi sửa đổi cần phải quy định rõ ràng hơn, quy rõ trách nhiệm của từng cơ quan chức năng, không thể để tình trạng doanh nghiệp cứ bị “hành” như hiện nay./.