Toàn cảnh bức tranh về tác động Covid-19 đến các doanh nghiệp Việt Nam
Đối với công nghiệp, khu vực tư nhân chiếm tỷ trọng ít hơn (19%), ngược lại đối với doanh nghiệp FDI thì tỷ trọng chiếm đến 61%. Với các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, khai khoáng, tỷ trọng các doanh nghiệp chiếm ít hơn.
Về quy mô, đối với doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là quy mô nhỏ. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có quy mô vốn dưới 50 tỷ. Ngược lại, đối với doanh nghiệp FDI thì tỷ lệ về quy mô vốn, quy mô sử dụng lao động tương đối lớn.
Đối với tác động của đại dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp, khi được hỏi liệu ảnh hưởng Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh như thế nào trên phương diện tổng thể, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng ảnh hưởng này rất tiêu cực và hoàn toàn tiêu cực lên đến 14,8% đối với doanh nghiệp tư nhân và 13,4% đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Một số ngành nghề không những không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19 mà thậm chí hưởng lợi trong một số lĩnh vực như trang thiết bị y tế, kinh doanh chăm sóc sức khoẻ, nhưng tỷ lệ cũng rất ít (0,5% đối với doanh nghiệp tư nhân và 0,2% đối với doanh nghiệp FDI). Có thể thấy, bức tranh chung về tác động Covid-19 đến các doanh nghiệp là rất nặng nề.
Trở ngại lớn nhất là việc tiếp cận khách hàng
Cụ thể về những trở ngại mà các doanh nghiệp đang đối mặt, báo cáo VCCI cho thấy, khó khăn hàng đầu là việc tiếp cận khách hàng. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp FDI cho rằng khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng đến 63%, doanh nghiệp tư nhân 53%. Các hợp đồng mua bán, các hoạt động mua sắm cũng trở nên khó hơn trong thời điểm dịch bệnh.
Đặc biệt, những tác động lâu dài của dịch bệnh trong lĩnh vực vận tải với tình trạng thiếu container rỗng, từ đó khiến nhiều ngành hàng xuất khẩu Việt Nam gặp khó khăn, chi phí vận tải tăng cao.
Theo đó, báo cáo cũng khảo sát tình hình thụ hưởng của doanh nghiệp đối với các chính sách hỗ trợ giai đoạn khủng hoảng Covid-19. Theo đó, Việt Nam không chỉ áp dụng chính sách hiệu quả mà còn rất kịp thời, ngay từ khi dịch bắt đầu bùng phát.
Các doanh nghiệp mong muốn có chương trình về miễn giảm thuế trong thời gian tới
Theo thống kê, có 95 văn bản cả cấp trung ương và địa phương liên quan đến nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Một số gói hỗ trợ lớn có thể kể đến như hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ thuế phí, hỗ trợ chi trả lương cho người lao động...
Khi được hỏi về chính sách nào thiết thực nhất, dễ tiếp cận nhất, có thể thấy qua điều tra, một phát hiện tương đối thú vị là nhóm chính sách gia hạn về thuế là dễ tiếp cận nhất. Một trong những khó khăn của doanh nghiệp từ đại dịch Covid-19 là vấn đề về thiếu hụt dòng tiền. Vì vậy, việc giãn, gia hạn nộp thuế này cũng là nhóm giải pháp có tác động đến doanh nghiệp một cách trực tiếp.
Ngược lại, chính sách vay tín dụng lãi suất 0% để trả lương cho lao động được đánh giá là khó tiếp cận nhất. Song tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp có thể tiếp cận khoản vay này để trả lương cho người lao động đã tăng rất nhanh.
Đa số doanh nghiệp đánh giá các chính sách là hữu ích, tuy nhiên không gian để cải thiện vẫn còn tương đối nhiều khi tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá các chính sách chưa thực sự hữu ích vẫn còn cao.
Báo cáo VCCI cũng chỉ rõ, các doanh nghiệp mong muốn cần phải có chương trình về miễn giảm thuế trong thời gian tới. Bước sang năm 2021 với ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 vẫn tồn tại, doanh nghiệp sẽ cần những chính sách liên quan đến ưu đãi thuế, gia hạn các khoản đóng... bởi vẫn còn nhiều doanh nghiệp chật vật, khó khăn.
Cuối cùng, báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị để thúc đẩy việc thực thi, điển hình như cung cấp thông tin đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tìm hiểu các cách thức hỗ trợ của các quốc gia khác, đổi mới sáng tạo, bổ sung gói hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025...