Chiều 8-3, tại buổi giao ban quý I/2022 với Sở Công Thương TP HCM, đại diện 26 tổ chức hội cấp thành phố đã phản ánh tình hình thực tế hoạt động trong các tháng đầu năm và kiến nghị thành phố cùng cơ quan quản lý ngành công thương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ổn định sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp; giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao.
Trao đổi với các tổ chức hội, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết TP HCM đã trải qua giai đoạn rất khó khăn do ảnh hưởng đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. "Từ tháng 8-2021 đến tháng 2-2022 chúng ta mới có tăng trưởng dương. Sức mua hiện tại tăng so với giai đoạn giãn cách xã hội nhưng doanh thu của hệ thống siêu thị đang giảm, còn doanh thu các DN thương mại điện tử đang tăng so với cùng kỳ năm 2021. Khi chúng ta đang có tín hiệu tốt thì lạm phát toàn cầu gia tăng, đầu vào nguyên vật liệu, đặc biệt là xăng dầu, tăng" - ông Vũ nêu.
Đại diện các tổ chức hội tại TP HCM phát biểu ở hội nghị chiều 8-3
Theo phản ánh chung của các hội ngành nghề, tình hình đơn hàng các tháng đầu năm khá lạc quan nhưng giá nguyên phụ liệu , vận chuyển… tăng cao so với giữa năm 2021 đang gây nhiều áp lực lên DN. Trong lĩnh vực may mặc, bà Trần Hoàng Phú Xuân, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, cho biết 2 năm qua giá sợi cotton tăng 70%, giá nguyên phụ liệu trong nước tăng 40%. Dịch diễn biến khó lường cộng với việc thành phố thu phí hạ tầng cảng biển sẽ làm tăng khó khăn cho DN. "Các DN đang cố gắng gia tăng giá trị sáng tạo và chủ động nguyên phụ liệu. Thị trường tiêu thụ thời trang nội địa được định giá 5 tỉ USD nhưng tính cạnh tranh rất khốc liệt, hội đã thành lập một tổ để kết hợp các DN nhằm tìm cơ hội phát triển tại thị trường trong nước" - bà Phú Xuân nói và bày tỏ mong muốn sớm có 1 trung tâm thời trang nhằm hỗ trợ DN xây dựng, nâng cao khả năng cạnh tranh tại sân nhà. Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Da giày TP HCM, cho biết các DN da giày đã có đơn hàng đến hết tháng 7 nhưng rất lo lắng vì chi phí đang tăng cao. Giá xăng, logistics, đầu vào nguyên phụ liệu tăng, lại thêm phí cảng biển. "Rất mong Sở Công Thương và các ngân hàng có gói hỗ trợ nào cho riêng DN những ngành thâm dụng lao động như da giày mua máy móc thiết bị sản xuất để giảm lao động vì hiện DN rất khó tuyển lao động" - ông Khánh bày tỏ.
Ở lĩnh vực logistics, các tổ chức hội cho rằng quy hoạch TP HCM còn thiếu những khu logistics tầm cỡ. Logistics là điểm yếu của Việt Nam, đã làm nghẽn chuỗi cung ứng dẫn đến tăng chi phí. Việt Nam là một nước nông nghiệp, do đó cần các kho lạnh… Các hội ngành nghề hiến kế thành phố tập trung phát triển đề án logistics trên địa bàn vì logistics là mạch máu của nền kinh tế, chú ý đầu tư các kho, bãi phục vụ xuất khẩu nông sản qua đó gia tăng giá trị nông sản Việt; cần có tích hợp và cung cấp thông tin về chính sách, thị trường thuận lợi cho DN. "Năm nay, thành phố điều chỉnh quy hoạch, đề nghị thành phố tính toán bố trí các kho logistics gắn với vận tải đường thủy nội địa để tránh kẹt xe ở thành phố. Quy hoạch Vành đai 3 thì gắn luôn logistics để kết nối TP HCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" - đại diện Hội DN cựu chiến binh nêu ý kiến.
Ngoài ra, các tổ chức hội đề nghị TP HCM cần có thông tin thống nhất về phòng chống dịch, bảo đảm thành quả phòng chống dịch để ổn định tình hình kinh tế - xã hội, DN yên tâm sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, đề xuất thành phố có giải pháp tăng hiệu quả kết nối ngân hàng - DN; tăng cường bố trí quỹ đất cho các DN, phát triển sản xuất công nghiệp do quỹ đất hiện tại rất thấp so với nhu cầu và giá cao. Ngoài ra, thành phố cần có chính sách rõ ràng về tài khóa, nhất là tài chính và thuế để DN hiểu rõ và thực thi; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết vùng, xuất nhập khẩu. Đại diện các DN lĩnh vực da giày, dệt may thêu đan… kiến nghị thành phố xem xét lùi thời gian áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển để giảm phần nào gánh nặng cho DN.