Dồn đập đơn hàng may mặc bị hủy, nên nhiều doanh nghiệp dệt may muốn xuất khẩu trang vải sang Mỹ, EU.
Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua cơ quan này nhận được các văn bản của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và một số doanh nghiệp hỏi về việc xuất khẩu khẩu trang vải và phản ánh những khó khăn trong việc xuất khẩu khẩu trang vải.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, sau khi Chính phủ có Nghị quyết 20/NQ-CP ngày 28/2/2020 về việc cấp phép khẩu trang y tế, số đơn hàng đặt mua khẩu trang vải đã tăng lên. Tuy nhiên, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản, một số doanh nghiệp dệt may có phản ánh có nơi, có lúc việc làm thủ tục chưa thuận lợi cho việc xuất khẩu khẩu trang vải, làm doanh nghiệp phải chờ đợi, quay lại hỏi Bộ Y tế hoặc Bộ Công Thương.
Về năng lực hiện nay, mỗi tháng ngành dệt may Việt Nam có thể sản xuất 150-200 triệu khẩu trang vải mỗi tháng. Nguyên liệu, khẩu trang vải cũng không có khó khăn gì về nguồn cung nguyên liệu.
Các doanh nghiệp tăng cường sản xuất khẩu trang vải. |
Sở dĩ, Hiệp hội Dệt may có phản ánh trên là bởi sau khi có Nghị quyết 20, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 1431/TCHQ-GSQL ngày 09/3/2020 gửi Cục Hải quan các địa phương, trong đó hướng dẫn: Thực hiện kiểm tra thực tế đối với các lô hàng hóa xuất khẩu khai báo là khẩu trang không dùng trong y tế... Qua kiểm tra thực tế, nếu công chức hải quan không đủ có sở xác định hàng hóa là khẩu trang không dùng trong y tế thì trưng cầu giám định tại Viện Trang thiết bị và Công trình y tế - Bộ Y tế hoặc các tổ chức giám định đáp ứng đủ điều kiện giám định khẩu trang y tế theo quy định để xác định chủng loại hàng hóa xuất khẩu.
“Do không thể nhận biết được sự khác nhau giữa khẩu trang y tế và khẩu trang vải, nhất là khẩu trang vải kháng khuẩn, Hải quan địa phương phải dừng cho thông quan lô hàng, lấy mẫu gửi về Bộ Y tế đề nghị giám định”, Hiệp hội Dệt may phản ánh.
Trong văn bản gửi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội dệt may Việt Nam ngày 26/3, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/2 của Chính phủ chỉ áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19.
“Các mặt hàng khẩu trang không phải khẩu trang y tế thực hiện xuất khẩu theo quy định hiện hành, không cần giấy phép xuất khẩu”, Cục Xuất nhập khẩu cho hay.
Bộ Công Thương thấy rằng khẩu trang vải không phải là đối tượng phải hạn chế theo quy định của Nghị quyết 20/NQ-CP. Trong bối cảnh khó khăn của ngành dệt may hiện nay, việc sản xuất và xuất khẩu khẩu trang vải đang là giải pháp giúp doanh nghiệp có thể cầm cự, giữ chân công nhân. Về lâu dài, đây cũng có thể là hướng xuất khẩu mới, đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Vì thế, Bộ Công Thương đề nghị Tổng cục Hải quan có công văn thay thế hoặc sửa đổi công văn 1431/TCHQ-GSQL, đưa ra hướng dẫn rõ ràng về khẩu trang y tế, đặc biệt là dấu hiệu nhận biết về số đăng ký, số lưu hành để Hải quan địa phương thực hiện.
Tiếp thu ý kiến Bộ Công Thương, ngày 27/3, Tổng cục Hải quan đã có văn bản gửi các đơn vị hải quan sửa đổi một số điểm tại công văn 1431.
Theo đó, Tổng cục Hải quan giao Cục quản lý rủi ro, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố đánh giá rủi ro lựa chọn các lô hàng nghi vấn đề kiểm tra thực tế hàng hóa, đặc biệt là các lô hàng do nhà xuất khẩu không phải là nhà sản xuất.
Trường hợp quan sát thấy không có dấu hiệu của khẩu trang y tế thì thực hiện thông quan. Nếu có đủ dấu hiệu là khẩu trang y tế nhưng khai báo là khẩu trang khác, không phải khẩu trang y tế, thì lấy mẫu giám định tại Viện trang thiết bị và công trình y tế - Bộ Y tế hoặc các tổ chức giám định đáp ứng đủ điều kiện.
Lương Bằng