Với tuổi đời hơn 100 năm, Coca-Cola duy trì các hoạt động sản xuất ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, Coca-Cola xây dựng nhà máy, cơ sở hạ tầng và đào tạo con người chỉ để tạo ra những sản phẩm phục vụ riêng cho thị trường Việt. Đó cũng là cách để hiện thực hóa mục tiêu “Thương hiệu toàn cầu, am hiểu địa phương” mà công ty nước giải khát hàng đầu thế giới đang theo đuổi.
Theo đại diện công ty, Coca-Cola mong muốn từng nhà máy, từng hoạt động kinh doanh tại từng nước phải tập trung để mở rộng thị trường, cung cấp đầy đủ nhu cầu thiết yếu dành cho người tiêu dùng ở quốc gia đó trong 24 giờ. Chính vì lý do đó, danh mục các sản phẩm được đưa ra thị trường Việt Nam đều đã được địa phương hóa. Đại diện Coca-Cola khẳng định đây là những sản phẩm được nghiên cứu để dành riêng cho thị trường Việt Nam. Gần 50% danh mục sản phẩm của Coca-Cola như Georgia Coffee, Trà hoa cúc Authentic Tea House, sữa nước Nutriboost…đang có trên thị trường được ra đời dựa trên nghiên cứu thị hiếu người dùng Việt Nam.
Trên thực tế, Coca-Cola có hơn 500 chủng loại sản phẩm trên toàn cầu. Việc đưa toàn bộ 500 sản phẩm này vào thị trường như Việt Nam chắc chắn sẽ không phù hợp và hiệu quả. Bên cạnh những sản phẩm danh tiếng nhất, những sản phẩm khác được đưa vào Việt Nam đều đã được thay đổi cho phù hợp với khẩu vị người dùng.
Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam cũng có những sản phẩm mà Coca-Cola cho ra đời để chuẩn bị cho tương lai 10 đến 20 năm tới. Café đóng lon là một trong số đó. Hiện tại, sản phẩm này vẫn chỉ chiếm một thị phần khá nhỏ nhưng theo đường lối phát triển bền vững, Coca-Cola cho rằng đây sẽ là sản phẩm thịnh hành trong 10-20 năm tới. Nó sẽ được ưa chuộng khi cuộc sống trở nên quá gấp rút đến mức người tiêu dùng sẽ chọn những sản phẩm có sẵn thay vì pha một cốc café như hiện nay.
Nhật Bản chính là ví dụ mà Coca-Cola đưa ra. Trong 2 tới 3 thập kỷ trước, nước ngọt có ga là sản phẩm thịnh hành. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, café đóng lon đã đuổi kịp thị phần của nước ngọt có ga và trở thành hai sản phẩm quan trọng.
Tại Việt Nam, trong ngành hàng nước giải khát, sữa là ngành đứng thứ 2 về doanh thu cũng như tốc độ phát triển hằng năm. Nắm bắt được xu thế đó, bên cạnh thức uống sữa kết hợp với nước trái cây Nutriboost, năm 2019, Coca-Cola mở rộng bộ sản phẩm Nutriboost với 3 dòng sữa nước từ nguồn sữa New Zealand thuần khiết, giúp tối ưu dưỡng chất, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng đa dạng của từng nhóm đối tượng như trẻ em, phụ nữ và người trẻ bận rộn. Người tiêu dùng Việt Nam cũng là thị trường đầu tiên được tiếp cận tới dòng sản phẩm sữa nước này.
Ngoài đáp ứng nhu cầu người dùng, việc bổ sung thêm các loại đồ uống vào danh mục có thể giúp người Việt dễ dàng lựa chọn và sử dụng sản phẩm cho phù hợp với nhịp sống hiện đại.
Thực tế, phía Coca-Cola cũng thừa nhận mình chưa phải doanh nghiệp đứng đầu trong thị trường nước giải khát Việt Nam. Có nhiều lý do liên quan đến lịch sử hoạt động nhưng việc không thực sự hiểu thị hiếu người tiêu dùng được cho là nguyên nhân chính khiến Coca-Cola bị các đối thủ vượt qua.
Chỉ 5 năm trước, Coca-Cola vẫn đầu tư nhiều cho sản phẩm nước ngọt có ga. Tuy nhiên, "gã khổng lồ" đã thức tỉnh và đang chuyển mình mạnh mẽ với chiến lược phát triển toàn diện.
Coca-Cola muốn vươn lên vị trí số 1 với mục tiêu cung cấp tất cả những đồ uống cần thiết cho người Việt Nam trong 24 giờ. Tham vọng này đang được thực hiện với mục tiêu địa phương hóa sản phẩm để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người Việt.
Là một trong 12 công ty Mỹ đầu tiên trở lại Việt Nam ngay sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, Coca-Cola đang được "Việt Nam hóa" một cách tối đa. Theo công bố chính thức từ công ty này, trong số 4.400 lao động trực tiếp tại Coca-Cola, có 99,9% là người Việt Nam. Ngay cả trong Ban điều hành, bộ phận đầu não của Coca-Cola Việt Nam, chỉ có 3 vị trí do người nước ngoài nắm giữ. 7 vị trí còn lại do người Việt Nam đảm trách.
Theo nghiên cứu của Coca-Cola, mỗi vị trí việc làm trực tiếp mà doanh nghiệp này tạo ra sẽ mang lại 6-10 việc làm gián tiếp từ toàn bộ chuỗi cung ứng, trong đó chủ yếu ở các khâu phân phối, tiếp thị…. Như vậy, số người Việt Nam đang làm việc trong Coca-Cola sẽ cao hơn nhiều so với con số 4.400 như thống kê.
Bên cạnh đó, Coca-Cola đang ngày càng chứng tỏ mình là doanh nghiệp đang được Việt Nam hóa nhiều hơn thông qua các hoạt động thể hiện trách nhiệm với xã hội. Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), thuộc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) vinh danh Coca-Cola đứng thứ 2 trong số 100 doanh nghiệp phát triển bền vững năm 2018.
Hoạt động trên quy mô toàn cầu, Coca-Cola nhận thấy mỗi đất nước đều có những mục tiêu quốc gia mà cả chính phủ và người dân cùng chung tay thực hiện. Tại Việt Nam, chính sách hàng đầu là nâng cao năng lực hoạt động, cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo các thống kê, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chiếm tới hơn 98%. Là lực lượng sản xuất trụ cột tạo ra của cải vật chất cũng như tăng trưởng của nền kinh tế, Việt Nam luôn đề cao ưu tiên nâng cao năng lực hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hiểu được mục tiêu này, Coca-Cola Việt Nam đã có những hoạt động tích cực hỗ trợ DNNVV, phối hợp cùng với Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) để giới thiệu dự án "Hỗ trợ DNNVV phát triển bền vững tại Việt Nam".
Mục tiêu của dự án nhằm cải thiện năng lực kinh doanh của DNNVV thông qua việc cung cấp khóa đào tạo và cố vấn về quản lý chuỗi cung ứng, đổi mới sáng tạo và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tham dự chương trình có thể ứng dụng những kiến thức nâng cao và mô hình kinh doanh vào vận hành sau khi dự án kết thúc.
Chính thức ra mắt năm 2013, EKOCENTER thực chất là những ki ốt được Coca-Cola hỗ trợ phát triển. Nó là sự kết hợp giữa một trung tâm cộng đồng với một cửa hàng tạp hóa. EKOCENTER hoạt động nhờ hệ thống điện mặt trời và có thể đáp ứng những nhu cầu cơ bản của mọi cộng đồng trên toàn thế giới, bao gồm cả những khu vực xa xôi hẻo lánh nhất.
Đây là bước đi nhỏ trong cam kết tái chế 100% lượng bao bì sản phẩm mà Coca-Cola bán ra trên quy mô toàn cầu. Việc thay đổi nhận thức của cộng đồng về bao bì sản phẩm chính là chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu này.
Ở Việt Nam, EKOCENTER không chỉ mang đến cơ hội đổi đời cho một vài phụ nữ đảm trách vai trò quản lý nó. Nơi đây còn trở thành địa điểm diễn ra các chương trình đào tạo giúp phụ nữ địa phương "Khởi sự kinh doanh", mang tới cho những người phụ nữ làm nông nghiệp, buôn bán nhỏ lẻ hay nghệ nhân trong các xưởng sản xuất quy mô gia đình các kiến thức về kinh doanh, lập kế hoạch kinh doanh, tiếp thị, dịch vụ khách hàng….Đây cũng nằm trong mục tiêu lớn 5by20 - chương trình toàn cầu hướng đến mục tiêu nâng cao vị thế cho 5 triệu nữ doanh nhân trên thế giới đến năm 2020 của Coca-Cola.
Với 11 dự án, EKOCENTER chỉ là phần nhỏ trong những cam kết bền vững mà Coca-Cola đang triển khai ở Việt Nam. Không chỉ nằm trên mái các EKOCENTER, pin năng lượng mặt trời đang phổ dụng tại các nhà máy của Coca-Cola ở Việt Nam. Gã khổng lồ trong lĩnh vực nước giải khát muốn 20% lượng điện năng cho các hoạt động sản xuất tới từ mặt trời – nguồn năng lượng sạch vô hạn.
Nước sạch không chỉ chảy ra từ vòi nước của EKOCENTER. 44 tỷ đồng cũng đã được Coca-Cola đầu tư vào các dự án nước sạch tại Việt Nam. Kết quả của hoạt động này là 2 tỷ lít nước sạch được cung cấp đến hơn 70.000 người dân nghèo sống tại các thành phố và tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Cộng đồng dân cư sống gần nhà máy của Coca-Cola cũng được hưởng lợi từ chương trình này.
Dù là một dự án nhưng có thể nói EKOCENTER quy tụ tất cả những cam kết cho hợp tác và phát triển bền vững mà Coca-Cola theo đuổi ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.