Nghĩ xanh, làm xanh
Tại Công ty TNHH sản xuất- thương mại- dịch vụ Qui Phúc, chuyên các mặt hàng nhựa và inox, gần như không phụ phẩm nào của quá trình sản xuất bị bỏ đi. Những mẩu nhựa vụn, inox vụn đều được bộ phận thiết kế mẫu mã của công ty đưa vào nghiên cứu, tìm tòi, sáng chế để sản xuất ra những vật dụng phù hợp trong các gia đình. Việc tận dụng này vừa không xả thải ra môi trường vừa tăng giá trị kinh tế. Ví dụ, các miếng inox hình vuông to, sau khi đưa vào máy cắt thành những chiếc mặt bàn tròn thì 4 góc hình tam giác được tận dụng làm các kệ treo tường, được người tiêu dùng đón nhận.
“Tiêu chí xanh trong doanh nghiệp nhiều người tưởng là khó nhưng thực tế ở Qui Phúc đã làm rất lâu rồi. Dù tiêu chuẩn của Qui Phúc chỉ cần áp dụng ISO 9000 là đủ để xuất khẩu sản phẩm rồi, nhưng chúng tôi vẫn áp dụng và năm 2023 sẽ được cấp chứng nhận ISO 14000 về đảm bảo các hoạt động môi trường, môi trường xanh” - bà Văn Thị Thủy Tiên, Giám đốc Marketing Công ty TNHH sản xuất- thương mại- dịch vụ Qui Phúc nói.
Còn ở Công ty Nhựa Duy Tân, chiến lược phát triển xanh được thực hiện bằng việc cho ra đời Công ty Nhựa tái chế Duy Tân (Duy Tân Plastic Recycling). Nhà máy của công ty này bắt đầu hoạt động năm 2020, có thể thu gom, xử lý, sản xuất 30.000 tấn nhựa PET mỗi năm và đang dự kiến tăng gấp đôi công suất. Năm 2022, doanh nghiệp này đã thu gom và tái sinh hơn 1,3 tỷ chai nhựa, xuất khẩu sản phẩm sang 12 quốc gia và cung cấp bao bì tái chế cho các nhãn hàng lớn như Lavie, Nestle, Coca-cola…
Tận dụng inox vụn trong sản xuất tại Công ty TNHH sản xuất- thương mại- dịch vụ Qui Phúc. (Ảnh: QP)
Ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững của Công ty Nhựa tái chế Duy Tân cho rằng, nếu không nghĩ xanh thì không thể làm kinh tế xanh: “Gần đây câu chuyện kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, phát triển bền vững được nhắc đi nhắc lại, đặc biệt là sau COP 26 tại Scotland với sự tham gia và cam kết của Thủ tướng Chính phủ. Mỗi doanh nghiệp thì sẽ tiếp cận kinh tế xanh theo một hướng khác nhau. Là một doanh nghiệp là lâu năm trong ngành nhựa thì hiện nay Duy Tân đang phát triển một mảng là làm một vòng đời mới cho ngành nhựa, góp phần giúp Việt Nam trở nên xanh, sạch, đẹp hơn”.
Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao được nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý đánh giá là có nhiều doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất xanh. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội cho rằng, chính việc chuẩn hóa các khâu trong sản xuất, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu “xanh” của thị trường đã đưa doanh nghiệp đến với kinh tế xanh.
“Chữ “xanh” bây giờ đến với các ngành nghề. Làm sao để giảm phát thải, rác thải ra môi trường xung quanh. Người tiêu dùng khi bỏ phiếu bình chọn cho doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao thì yếu tố tốt hay không tốt cho môi trường đã nằm trong sự cân nhắc của họ rồi” - bà Vũ Kim Hạnh nói.
Xu thế tất yếu để phát triển bền vững
Chiến lược “xanh hóa” nền kinh tế được thiết lập thông qua việc Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, kinh tế xanh với nguyên tắc chính là giảm thiểu tối đa rác thải độc hại, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo cân bằng lợi ích xã hội.
Từ năm 2010 Việt Nam đã bắt đầu triển khai khi có chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế xanh và đến nay đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có rất nhiều hiệp định thế hệ mới có những đòi hỏi khắt khe về môi trường, phát triển bền vững.
Nhà máy của Công ty Nhựa tái chế Duy Tân (Duy Tân Plastic Recycling) có thể thu gom, xử lý, sản xuất 30.000 tấn nhựa PET/năm. (Ảnh: MH)
“Các lĩnh vực, trong đó có sản xuất hàng xuất khẩu, chúng ta phải hướng đến đáp ứng yêu cầu khách hàng là sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế. Và trong tiêu dùng cũng thế, ý thức người tiêu dùng cũng đã thay đổi. Tất cả đặt ra yêu cầu để doanh nghiệp phát triển bền vững trong tương lai. Đây là thời điểm chúng ta phải tăng tốc trong phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh” ông Võ Tân Thành nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, biến đổi khí hậu thời gian qua đã gây ra những vấn nạn với một loạt quốc gia. Vì vậy, các quốc gia dù muốn hay không cũng buộc phải quan tâm tới việc làm sao phát triển xanh hơn, thân thiện với môi trường và chung tay bảo vệ môi trường tốt hơn. Người tiêu dùng cũng vậy, đã có ý thức rất tốt về việc đó, đặc biệt là với hai giới quyết định nhất về tiêu dùng hiện nay là tầng lớp trung lưu và thế hệ trẻ. Họ sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm thân thiện với môi trường và tẩy chay những sản phẩm gây hại cho môi trường.
“Phát triển xanh, tăng trưởng xanh bây giờ đối với chúng ta là vô cùng quan trọng, cần thiết, không làm bây giờ thì sẽ là quá muộn. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nhận thức sớm, đi tiên phong, làm khá nhiều việc hướng tới kinh tế xanh. Người ta thấy rất rõ là những doanh nghiệp làm kinh tế xanh tốt thì nâng cao được năng lực cạnh tranh, thuyết phục được người tiêu dùng nhiều hơn, tạo được niềm tin lớn cho người tiêu dùng. Trong thời buổi cạnh tranh như hiện nay thì đó đã là thành tựu của doanh nghiệp” - bà Phạm Chi Lan nói.
Để sản xuất xanh, phát triển kinh tế xanh, doanh nghiệp cần: xây dựng được chuỗi cung ứng xanh; đào tạo cho người lao động về kinh tế xanh từ nhận thức cho đến kỹ năng, thái độ làm việc và nguồn lực tài chính, đầu tư công nghệ cho sản xuất xanh. Trong các yếu tố đó, phần lớn doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ khó khăn về vốn, về công nghệ, về nhân lực. Tuy nhiên, đã đến lúc phải khắc phục khó khăn, phải đổi mới sáng tạo. Bởi nếu không nghĩ xanh, làm xanh thì khó mà tồn tại và phát triển bền vững.