Doanh nghiệp “khát” vốn
Nhiều doanh nghiệp tham gia bình ổn giá tại TP Hồ Chí Minh là đối tượng ưu tiên vẫn khó tiếp cận vốn vay.
Tại Hội nghị tiếp xúc, đối thoại doanh nhiệp TP Hồ Chí Minh diễn ra vào cuối tháng 8 mới đây, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) cho biết, hiện rất nhiều doanh nghiệp đang “khát” vốn để phục vụ cho việc tích trữ sớm nguyên vật liệu sản xuất. Bởi trong thời gian vừa qua, giá nguyên liệu tăng hơn 20% khiến cho nhu cầu nguồn vốn của các doanh nghiệp cũng phải tăng theo tương ứng, ước tăng khoảng 50 - 60% so với trước đây.
Trong khi đó, là một trong những nhóm ngành được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi do tham gia chương trình bình ổn giá thực phẩm cho TP Hồ Chí Minh, nhưng bà Kim Chi cho biết, các doanh nghiệp mới chỉ tiếp cận được việc hỗ trợ thuế, VAT, xăng dầu; riêng gói hỗ trợ nguồn vốn là vẫn chưa tiếp cận được.
Đứng trước vấn đề này, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh phải tìm mọi cách xoay sở để lo nguồn vốn, thậm chí đi tìm tài sản thế chấp để được vay vốn ngân hàng. Thế nhưng, theo bà Kim Chi, khi doanh nghiệp tiếp cận được thì các ngân hàng lại báo hết room tín dụng.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) cũng thừa nhận, nhu cầu vốn đang tăng lên rất cao nhưng các doanh nghiệp ít có khả năng tiếp cận, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đại diện một số ngân hàng cho biết, việc hết room đã khiến nhiều khách hàng cả doanh nghiệp lẫn cá nhân như "ngồi trên đống lửa" khi lãi suất huy động cứ tăng mà không giảm. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp rất mong chờ được sớm nới room hơn cả ngân hàng.
Doanh nghiệp BĐS càng khó tiếp cận vốn vì bị hạn chế cho vay.
Với doanh nghiệp bất động sản (BĐS), việc tiếp cận vốn lại càng khó. Theo đại diện một doanh nghiệp BĐS, hiện nguồn cung căn hộ chung cư đã yếu, cung nhà phố còn nhỏ giọt và thị trường bất động sản (BĐS) đã đi ngang. Nguyên nhân là do room tín dụng không chỉ cạn mà doanh nghiệp BĐS muốn tiếp cận vốn cũng khó vì bị hạn chế. Chưa kể, trái phiếu BĐS được kiểm soát chặt thời gian qua càng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, kéo theo thị trường chung bị ảnh hưởng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho biết, kênh huy động vốn quan trọng khác của doanh nghiệp là huy động từ khách hàng nhưng nguồn vốn này lại cần vốn tín dụng. Bởi hiện nay, các NHTM không cho phép vay để mua đất mà chỉ được vay để phát triển dự án sau khi có quỹ đất. Do đó, vốn tín dụng là cực kỳ quan trọng để doanh nghiệp BĐS có đủ nguồn vốn hoạt động.
Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, doanh nghiệp không chỉ khó tiếp cận vốn tín dụng vì room hạn chế mà các kênh khác như huy động vốn từ cổ phiếu cũng không dễ khi thị trường chứng khoán suy giảm; huy động vốn qua kênh trái phiếu cũng giảm mạnh do các NHTM không tham gia. Bởi vừa qua, Chính phủ đã chấn chỉnh phát hành trái phiếu dưới chuẩn và lách luật.
Cần đa dạng kênh huy động
Nhiều doanh nghiệp muốn mở rộng phát triển kinh doanh nhưng khó tiếp cận vốn vay. Ảnh minh hoạ
Thời gian qua, NHNN cũng liên tục phát đi thông điệp sẽ giữ tăng trưởng tín dụng ở mức 14%. Bởi tăng trưởng tín dụng phải được xem xét cùng các biến động thường khó lường trong bối cảnh bất định của toàn cầu như lạm phát, tỉ giá, thanh khoản ngân hàng và thậm chí kiểm soát vốn vào các lĩnh vực ít rủi ro, bảo đảm chất lượng tín dụng.
Nhiều chuyên gia nhận định, dù doanh nghiệp và ngân hàng đang "ngóng" room tín dụng nhưng room này được xác định theo mục tiêu chủ chốt là lạm phát. Thực tế, Việt Nam đang bị "lạm phát nhập khẩu" và để giảm lạm phát, bài toán hữu hiệu nhất là giảm thuế hàng hóa. Trong đó, mặt hàng có hiệu ứng mạnh nhất là xăng dầu.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế - tài chính, cho biết: "Nếu giảm thuế xăng dầu để giá loại hàng hóa này giảm 10% thì lạm phát sẽ giảm xuống 0,31%; nếu tiếp tục giảm thêm 10% thì lạm phát sẽ giảm thêm 0,27% nữa. Như vậy, giảm 20% giá xăng dầu giúp giảm lạm phát tới 0,58%, đưa mục tiêu lạm phát từ 4% về khoảng 3,5%. Khi đó, NHNN mới có thể yên tâm nới room tín dụng".
Theo đó, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP Hồ Chí Minh kiến nghị, các cơ quan, bộ, ngành, Chính phủ nên xem xét nhanh chóng bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt trong giá xăng, giảm thuế GTGT đối với những nguyên liệu nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất… Từ đó, góp phần hạ giá thành sản phẩm, doanh nghiệp mới có sức phục hồi, sản xuất tốt hơn.
Trong khi đó, ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh kỳ vọng, các doanh nghiệp sẽ được tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn khi các tổ chức tín dụng được cấp thêm hạn mức mới, khoảng hơn 450.000 tỉ đồng được đưa ra thị trường.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lo ngại, nếu không sớm nới room tín dụng thì lãi suất cho vay sẽ càng tăng cao trong thời gian tới, gây áp lực lớn cho doanh nghiệp. Có thể thấy, lãi suất liên ngân hàng cũng như các loại lãi suất trên thị trường mở đã có xu hướng tăng lên, dù NHNN được đánh giá là linh hoạt với nhiều động thái hút – mở cùng bán ngoại tệ liên tục.
Chưa hết, áp lực tăng lãi suất trong trung hạn vẫn còn đó khi nhiều tổ chức đưa ra dự báo lãi suất điều hành của Việt Nam sẽ điều chỉnh tăng trong quí 3 trở đi. Theo VDSC, các loại lãi suất trên thị trường đều đã tăng trừ lãi suất điều hành. Trong dự báo mới, VDSC cho rằng cơ quan quản lý có thể tăng khoảng 0,5 điểm phần trăm vào đầu năm sau.
Việc nới room tín dụng mới có thể giúp các ngân hàng giải ngân vốn cho doanh nghiệp.
Trước tình hình khó mọi bề, đề xuất nới room tín dụng liên tục được các NHTM, hiệp hội và doanh nghiệp đưa ra nhằm giải quyết bài toán vốn cho nền kinh tế. Đặc biệt, nới room tín dụng cũng là một trong những giải pháp nhằm giúp đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%, bởi nhiều ngân hàng hiện đã hết room nên không thể cho vay mới với khách hàng đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất từ chương trình này.
Tuy nhiên, NHNN vẫn khẳng định sẽ tiếp tục điều hành theo hướng chủ động và linh hoạt, từ đó đảm bảo thanh khoản cho tổ chức tín dụng. Theo đó, NHNN sẽ tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện để tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, là cơ sở để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh cho biết, riêng tại TP Hồ Chí Minh, các ngân hàng sẽ cố gắng giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cho vay với lãi suất tốt nhất. Hiện nay, room tín dụng tại TP Hồ Chí Minh còn trên dưới 150.000 tỉ đồng.
“Với room tín dụng còn lại này, những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện sẽ được tạo điều kiện tiếp cận vốn thuận lợi, thậm chí hưởng ưu đãi và hỗ trợ. Nhưng nếu không đáp ứng các điều kiện vay vốn, ngân hàng không thể cho vay vốn vì rủi ro nợ xấu, an toàn hệ thống", ông Nguyễn Hoàng Minh khẳng định.