Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, hiện rất ít DNNN làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ thực hiện phá sản, chủ yếu giải thể, sáp nhập. Điều này, theo ông Tiến, do thủ tục phá sản DN quá phức tạp, mất nhiều thời gian, như trường hợp của Cty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashin Lines) đang làm thủ tục phá sản, nhưng 3 năm qua vẫn chưa xong.
“DNNN giải thể, sáp nhập thì nhiều và chủ yếu thực hiện trong quá trình cổ phần hóa và sắp xếp, đổi mới DNNN. Giai đoạn hiện nay số DNNN giải thể giảm đi, nhưng lại tăng số DN sáp nhập”, ông Tiến nói. Vị này dẫn chứng, một số mỏ than của Tập đoàn Than – Khoáng sản trước đây đều là một công ty mỏ, nhưng nay sáp nhập về công ty mẹ để giảm đầu mối và không còn các công ty mỏ.
TS Lê Đăng Doanh đánh giá, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của không ít DNNN đang rất đáng báo động. Việc nhiều DN làm ăn khó khăn, theo ông Doanh, do đang đối mặt cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn với khu vực tư nhân và hàng nhập khẩu (như sắt thép, xi măng, nông sản, hàng tiêu dùng…).
“Trước đây, DNNN được nhiều ưu đãi, thậm chí độc quyền, lại chủ yếu khai thác tài nguyên, nên khi thị trường mở hơn, các DNNN do quản trị yếu kém, nên khó cạnh tranh. DNNN chịu sự quản lý hành chính, đặc biệt nhân sự quản lý tuyển chọn không theo nguyên tắc năng lực, mà bằng các tiêu chuẩn không còn phù hợp với kinh tế thị trường”, ông Doanh nói. Do đó, theo ông Doanh, việc tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN phải thực hiện nghiêm túc và mạnh mẽ, quyết liệt hơn.
Đặc biệt, ông Doanh cho rằng, cần sớm thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước tại DN, để tách chức năng chủ sở hữu khỏi các bộ ngành, địa phương. “Điều này cần làm sớm, vì nếu còn vừa đá bóng, vừa thổi còi, sẽ còn bất cập vì đồng tiền đi liền khúc ruột, không dễ để cơ quan quản lý nhà nước thực hiện đúng chức năng quản lý của mình”, ông Doanh nói. Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, với DNNN kém hiệu quả, làm ăn thua lỗ cần mạnh dạn cho phá sản, không thể nuôi mãi những “cái xác biết đi”.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN là một trong những cách để giúp DNNN hoạt động hiệu quả hơn. Đặc biệt, qua cổ phần hóa, thoái vốn, nhà đầu tư sẽ tham gia vào quá trình cải cách quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Tuy vậy, theo ông Tiến, năm 2017, việc thực hiện cổ phần hóa, cơ cấu lại DNNN còn chậm. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, năm 2017, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 1232, về công khai, minh bạch các DNNN sẽ thực hiện cổ phần hóa trong thời gian tới. Theo ông Tiến, tư duy giữ DN tốt, thoái khỏi DN xấu cũng cần thay đổi, vì nếu chỉ thoái vốn tại các DN không hiệu quả sẽ chẳng nhà đầu tư nào tham gia.