Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) từ tháng 6/2017 nhằm tạo nền tảng cho việc hình thành khuôn khổ pháp lý để có chính sách hỗ trợ phù hợp cho DNNVV của Việt Nam. Để thực hiện luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định 34/2018 về hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV; Nghị định 38/2018 về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo của DNNVV; và Nghị định 39/2018 quy định một số điều chi tiết của Luật Hỗ trợ DNNVV.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang "khát" vốn. (Ảnh minh họa)
DNNVV than “đói” vốnTheo nhận định của GS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, dù đã có Luật hổ trợ DNNVV nhưng kể từ khi có hiệu lực thi hành năm 2017, đại bộ phận DNNVV vẫn chưa được thụ hưởng các ưu đãi, hổ trợ đã được quy định. Số lượng doanh nghiệp này tiếp cận với tín dụng của ngân hàng thương mại còn ít và khá khó khăn, các quỹ hổ trợ của nhà nước chưa được triển khai có kết quả.
Hiện cả nước có gần 600.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm gần 98%. Hàng năm, các DNNVV đã tạo ra gần 60% việc làm (chiếm 42,2% số lao động), 44,8% doanh thu, đóng góp khoảng 40% GDP, 33% giá trị sản lượng công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu, đóng góp 29,3% cho ngân sách Nhà nước.
Mặc dù có đóng góp lớn cho nền kinh tế nhưng hiện nay khối DNNVV vẫn rất khó tiếp cận các nguồn vốn như vốn tín dụng từ các ngân hàng, nguồn vốn từ các quỹ… để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cho rằng, do khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất kinh doanh, công nghệ, kỹ năng quản trị và điều hành... nên DNNVV còn yếu kém, không thể phát huy hết tiềm năng.
Chủ tịch Hiệp hội DNNVV băn khoăn: Sao “ở trên” rất tạo điều kiện, rất tháo gỡ nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận vốn, trong khi DNNVV cực kỳ cần vốn, vay ngoài thì chưa làm xong đã hết vốn vì trả lãi cao.
Khẳng định DNNVV rất “đói” vốn, thậm chí chưa có cấu trúc vốn, ông Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP tái cấu trúc doanh nghiệp Việt (Verco) cho rằng, nhóm doanh nghiệp này đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng bởi các “rào cản” pháp lý.
“Muốn vay được ngân hàng thì doanh nghiệp phải có báo cáo tài chính 2 năm liên tiếp không lỗ, có kế hoạch kinh doanh khả thi, có tài sản đảm bảo…”, ông Hùng cho hay. Do đó, doanh nghiệp phải tiếp cận bằng con đường khác, đó là các quỹ như quỹ thiên thần, quỹ đầu tư tư nhân, và quỹ đầu tư chính thống của Chính phủ… Điều này giúp giải quyết bài toán gốc rễ về vốn cho DNVVN.
Phải tự làm mới mình
Lý giải cho sự “chậm lớn” của các DNNVV, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội chỉ rõ: Bên cạnh yếu tố quản lý nhà nước, có nguyên nhân quan trọng là bản thân nhiều DN Việt chưa đáp ứng được các yếu tố quyết định như chiến lược kinh doanh, quản trị DN, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý lao động, và đào tạo nguồn nhân lực.
Không ít DNNVV phát triển theo hướng “mì ăn liền”, muốn có “tiền tươi thóc thật” ngay, chưa phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. “Dù Chính phủ có tạo điều kiện nhiều đi nữa nhưng bản thân các doanh nhân, doanh nghiệp không tự làm mới mình thì cũng rất khó để chúng ta chứng kiến bước đột phá trong ngắn và trung hạn”, TS. Nguyễn Đức Kiên nêu rõ.
Còn theo GS. Nguyễn Mại, Chính phủ cần coi trọng việc xây dựng hệ sinh thái đủ khuyến khích thành lập DN khởi nghiệp, DN mới trong đó có DNVVN, khắc phục nhanh và có hiệu quả các điểm nghẽn như cơ chế hỗ trợ vốn từ các quỹ hổ trợ DNVVN, quỹ đổi mới công nghệ; khuyến khích bằng cơ chế ưu đãi để thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn kinh tế trong nước; tăng tỷ lệ tín dụng ngân hàng đối với DNNVV (hiện chưa đến 30%) bằng thay đổi cơ bản điều kiện vay và thế chấp. GS. Mại nêu ý kiến.
Để hổ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp cùng với chính sách và cơ chế ưu đãi, Chính phủ cần khuyến khích mạnh mẽ việc hình thành các công ty tư vấn về luật pháp, đăng ký kinh doanh, kế toán thuế với các cán bộ có trình độ chuyên môn cao với chi phí hợp lý để hổ trợ DNVVN trong quá trình từ khi thành lập cho đến sản xuất và kinh doanh, hạch toán lỗ lãi và thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước, GS. Nguyễn Mại nêu quan điểm./.