Trong hơn 1 tháng qua, COVID-19 đã trở thành vấn đề nóng toàn cầu. Từ đầu tháng 3 tới nay, diễn biến của dịch ngày càng phức tạp hơn, số ca lây nhiễm liên tục xuất hiện và tăng cao tại hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới. Đặc biệt khi Việt Nam ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới càng khiến cho đại dịch này tác động mạnh mẽ đến kinh tế - xã hội và đời sống người dân trong nước. Đêm qua (theo giờ Việt Nam), WHO vừa công bố Covid-19 chính thức trở thành đại dịch toàn cầu.
Ngành sản xuất và dịch vụ chịu trận
Ngành du lịch được cho là chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất trong đợt dịch lần này. Bà Ngô Thị Ngọc Lan, giám đốc khu vực miền Bắc của Navigos Search, một đơn vị chuyên về lĩnh vực tuyển dụng du lịch, nhà hàng, khách sạn cho biết, nhu cầu tuyển dụng cũng đã bắt đầu ngưng trệ và các kế hoạch tuyển dụng trước tết đều phải trì hoãn hoặc hủy bỏ.
Bà Lan cũng cho biết thêm, sở dĩ có tình trạng này bởi các nhà hàng, khách sạn đều trải qua tình trạng khó khăn. Nhiều nơi phải cho nghỉ tới hơn một nửa số nhân viên, các công ty quy mô lớn thì vẫn cho nhân viên đi làm hưởng lương nhưng nhiều đơn vị đành phải cắt giảm số lượng nhân lực tạm thời.
Các đơn vị kinh doanh ăn uống đang chật vật khi lượng khách giảm sút mạnh. Theo một chủ chuỗi nhà hàng kinh doanh gà rán với 16 cửa hàng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ khi có thông tin về dịch bệnh COVID-19, chuỗi cửa hàng của anh phải chịu thiệt hại vô cùng nặng nề. Số lượng khách đến cửa hàng ăn trược tiếp giảm tới 30%, thậm chí, các cửa hàng đặt ở trung tâm thương mại giảm đến 50% doanh số.
Không chỉ ngành dịch vụ mà ngay cả các ngành sản xuất cũng gánh chịu sức ép rất lớn. Do Trung Quốc, nơi được coi là công xưởng thế giới, đồng thời cung cấp nguyên vật liệu cho nhiều ngành sản xuất tại Việt Nam, cũng đang chịu ảnh hưởng nặng của đợt dịch lần này. Nhiều nhà xưởng phải tạm ngưng sản xuất do không nhập được linh kiện hay thiếu hụt nguyên vật liệu.
Thông tin từ Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho biết, những ngành sản xuất chịu ảnh hưởng nhiều nhất của đợt bùng phát dịch COVID-19 này có thể kể đến như dệt, may, da giày… Ngoài ra các đơn vị sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính, xe động cơ, luyện kim… cũng bị ngưng trệ một phần do có một số nguyên liệu phải nhập về từ Trung Quốc.
Muôn vàn cách xoay sở để tồn tại qua đại dịch
Dù gặp phải khó khăn khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn nghĩ ra được rất nhiều phương án ứng phó tạm thời vô cùng hữu hiệu.
Chị Oanh, chủ sở hữu một doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm giấy xuất khẩu sang Trung Quốc cho biết, doanh nghiệp đã bị mất khá nhiều khách hàng trong đợt dịch lần này. Tuy nhiên, chị đã ngay lập tức cho lắp đặt một dây chuyền sản xuất khẩu trang với công suất lên đến 1000 chiếc mỗi ngày và chuyển công nhân sang sản xuất loại mặt hàng này nên cũng không gặp quá nhiều khó khăn.
Theo anh Hiếu, chủ cửa hàng Lốp Tín, một đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc xe tại Khu đô thị Dương Nội, dịch vụ vệ sinh xe hơi vẫn rất đông khách dù đang là thời điểm giữa mùa dịch.
"Trong dịch bệnh, nhu cầu sát khuẩn và vệ sinh xe phòng dịch của khách hàng tăng cao. Thay vì lo lắng, tôi đã yêu cầu toàn bộ nhân viên phải tuân thủ đúng các hướng dẫn của cơ quan nhà nước như đeo khẩu trang, giữ vệ sinh thật tốt để bảo vệ chính mình cũng như khách hàng.
Chúng tôi cũng kết hợp với một nhà phân phối sản phẩm lớn từ Mỹ để tổ chức thêm các hoạt động khuyến mãi như diệt khuẩn, khử mùi xe miễn phí cho khách hàng ghé qua cửa hàng từ nay đến hết tháng 4. Khách hàng cứ qua chỗ tôi là được vệ sinh, khử khuẩn miễn phí dù không sử dụng dịch vụ gì. Nhờ vậy mà lượng khách hàng của chúng tôi vẫn được duy trì chứ không bị sụt giảm so với trước mùa dịch."
Ngoài ra, anh Hiếu cũng chia sẻ thêm rằng các doanh nghiệp nên mở rộng các gói dịch vụ, gắn với lợi ích khách hàng trong mùa dịch hơn nữa. Anh cũng "quảng cáo" thêm gói bảo hiểm miễn phí cho khách khi thay 2 lốp xe một thương hiệu Nhật Bản, bảo đảm chi trả toàn bộ tiền điều trị nội trú nếu không may xét nghiệm bị dương tính với COVID-19, trong thời hạn 1 năm với giá trị bồi thường lên tới 100 triệu đồng.
Cùng trong các ngành dịch vụ, nhiều chủ nhà hàng, khách sạn, chủ chuỗi spa lại nhân thời điểm này để tiến hành sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất cũng như đào tạo lại đọi ngũ nhân viên.
Chị Ngân, chủ một spa tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mình vừa quyết định đóng cửa 45 ngày để sửa sang lại trung tâm của mình, chờ ngày thị trường phục hồi.
Trong đại dịch, sẽ luôn có cơ hội trong nguy cơ, các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn tồn tại cần nhạy bén để ứng phó với những biến động bất ngờ mới có thể vượt qua được giai đoạn vô cùng khó khăn này.