Doanh nghiệp ngành bột mì đang lúng túng khi Cục Bảo vệ thực vật ra thông báo cấm nhập khẩu lúa mì vì có chứa cỏ Cirsium Arvense, loại cỏ được cảnh báo là độc tố.
Quyết định này sẽ ảnh hưởng lớn đến rất nhiều doanh nghiệp ngành sản xuất thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Đây là thông tin tại tọa đàm "Khó khăn của doanh nghiệp Việt khi nhập khẩu lúa mì" do Hiệp hội Lương thực Tp.HCM tổ chức ngày 8/10.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm Tp.HCM cho biết, với loại cỏ Cirsium Arvense nằm trong bột mì không phải là vấn đề mới mà đã tồn tại hơn chục năm nay. Hiện chỉ có nghiên cứu khi ăn phải loại cỏ này với hàm lượng nhiều quá sẽ làm trướng bụng. Do vậy, mức độ độc hại của cỏ Cirsium Arvense như thế nào đến nay vẫn chưa biết. Việc cấm nhập khẩu lúa mì từ ngày 1/11/2018 có thực sự cần thiết?
Bức xúc về tính pháp lý
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM và thông tin từ các doanh nghiệp đều khẳng định trong tay chỉ có một văn bản của Chi cục Bảo vệ thực vật vùng 1 thông báo cho doanh nghiệp về việc phải tái xuất các lô vật thể lúa mì có chứa cỏ Cirsium Arvense và cấm nhập từ ngày 1/11/2018. Các doanh nghiệp cũng chỉ nghe thông tin trong ngành chứ cũng không có văn bản chính thức.
Theo TS. Trần Duy Khanh, chuyên gia nghiên cứu phản biện chính sách, Viện Trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo doanh nhân APEC, không thể không quản được thì cấm. Nếu nhập khẩu làm hạt giống thì có thể cấm để đảm bảo sự an toàn của hệ thực vật trong nước. Nhưng nếu nhập về nghiền làm bột chế biết thức ăn và nguyên liệu cho chăn nuôi thì không nên cấm mà cần quản lý chặt chẽ. Việc cấm nhập khẩu sẽ làm đảo lộn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại cho hàng trăm doanh nghiệp.
Doanh nghiệp và người tiêu dùng bị thiệt
Bà Huỳnh Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty liên doanh bột mì quốc tế Intermix cho biết, hiện tại, doanh nghiệp có một lô hàng trị giá gần 300 tỷ đồng đang trên đường về cảng Việt Nam. Nếu hàng về nhưng không được nhập thì doanh nghiệp lấy gì để sản xuất và cung ứng cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp không có việc làm để trả lương cho hơn 500 người lao động. Vậy xử lý thế nào với lô hàng sắp về tới Việt Nam. Tái xuất đi đâu hay cho ai?
Cũng theo chia sẻ của các doanh nghiệp, với một chuyến tàu nhập trị giá khoảng 20 triệu USD (gần 500 tỷ đồng), nếu bắt buộc doanh nghiệp tái xuất thì họ sẽ rất thiệt hại. Để các chuyến tàu có thể về Việt Nam trước thời hạn ngày 1/11/2018, thì doanh nghiệp phải bỏ thêm 5 USD/tấn, giá thành sản phẩm sẽ bị đội lên thêm.
Ông Phạm Văn Bình, đại diện Công ty Tân Long cho biết, chưa có nước nào đưa ra tỷ lệ hạt cỏ Cirsium Arvense chiếm bao nhiêu trong nguyên liệu lúa mì. Nếu cấm nhập nguyên liệu lúa mì thì doanh nghiệp sẽ phải nhập khẩu bột mì để cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất mì gói, bánh kẹo, bánh mì... Còn các doanh nghiệp xay xát lúa mì trong nước sẽ phải đóng cửa. Hệ lụy rất lớn bởi, trong ngành thức ăn gia súc, lúa mì là sản phẩm thay thế các loại bắp, khoai mì. Tuy nhiên với ngành bột mì thì không có sản phẩm thay thế. Nếu không nhập được lúa mì nguyên liệu thì các doanh nghiệp ngành bột chỉ đóng cửa!
Ngoài ra, theo phản ảnh của các doanh nghiệp, nếu cấm nhập khẩu lúa mì nguyên liệu thì tới đây hàng loạt hàng thực phẩm dùng nguyên liệu bột mì sẽ tăng giá mạnh bởi thiếu nguyên liệu sản xuất. Hiện tại, lúa mì ngoài dùng làm nguyên liệu sản xuất các loại thực phẩm như bánh kẹo, mì gói, bánh bao, còn dùng phục vụ cho ngành chăn nuôi.
Ông Phan Thanh Hiếu, Phó tổng Giám đốc Công ty bột mì Bình An đánh giá, không thể thay đổi nguồn nguyên liệu lúa mì bằng một nguyên liệu khác trong một thời gian ngắn. Bởi, các doanh nghiệp đã chuẩn bị xong kế hoạch nhập khẩu, kinh doanh, đàm phán giá cả với các đối tác cung ứng từ trước. Việt Nam cấm nhập khẩu tức là doanh nghiệp phải chịu mọi thiệt hại trong giao kết kinh doanh. Vấn đề cỏ Cirsium Arvense đã xuất hiện từ lâu và không xa lạ với các doanh nghiệp ngành bột mì. Thời gian qua, các lô hàng của Bình An nhập về đều đang phải tuân thủ quy trình tách lọc nghiêm ngặt, tiêu huỷ bằng phương pháp đốt dưới sự theo dõi của cơ quan quản lý bảo vệ thực vật.
Theo thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2018, nước ta đã nhập khẩu 3,13 triệu tấn lúa mì, tương ứng 743 triệu USD, tăng 2,2% về khối lượng và tăng 16,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài việc nhập khẩu lúa mì để tiêu thụ trong nước, doanh nghiệp Việt Nam cũng còn xuất trở lại các nước ASEAN dưới dạng bột mì thành phẩm.