Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết, từ CPTPP, EVFTA và nhiều hiệp định ký kết trước đó cho thấy, nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn và đi cùng là tính nhạy cảm cũng rất cao.
Theo ông Lĩnh, với ngành thủy sản, Hiệp định này Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn so với đối thủ như: Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ… Đặc biệt, với EVFTA, DN Việt Nam không chỉ được hưởng lợi từ thuế suất mà còn hưởng lợi rất lớn từ chính sách điều chỉnh. “Hạ thuế mang lại lợi ích một, nhưng việc xóa bỏ các lực cản kinh doanh trong nước phải lên đến 10”- ông Lĩnh nói.
Theo ông Lĩnh, hiệp định sẽ tạo một sức ép rất lớn, buộc Việt Nam thay đổi nhanh chóng về các vấn đề thể chế, môi trường kinh doanh. Thực tế, trong quá trình cải cách, Chính phủ rất quyết liệt, nhưng khi xuống các bộ, địa phương, quá trình đó chậm lại.
Ông Lĩnh cũng lưu ý, khi hạ thuế suất, các nhà nhập lậu sẽ tìm cách ép giá DN Việt Nam, hàng rào kỹ thuật của các quốc gia nâng lên. Bên cạnh đó, là còn có tiêu chuẩn hiệp hội, ngành hàng, tổ chức xã hội…họ đưa ra. “Đặc biệt về nguồn gốc, chẳng hạn mặt hàng hải sản, dù chỉ chiếm 10% số hàng thủy sản Việt Nam xuất vào EU, nhưng việc EU chỉ giơ “thẻ vàng” thôi, đã to chuyện rồi”- ông Lĩnh nói.
Ông Lĩnh cũng cho rằng, để tận dụng từ hiệp định, DN phải nỗ lực 10, nhưng nhà nước phải nỗ lực 100 thì mới tận đụng được cơ hội đó.