Trong bối cảnh khó đoán định, các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực tìm cách xoay sở để thích ứng nhằm duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.
Bài 1: Chồng chất khó khăn
Những thách thức cũ sau dịch bệnh COVID-19 chưa chấm dứt thì những bất ổn mới nối tiếp nhau khiến kinh tế thế giới ngày càng trở nên khó đoán định, đây là trở ngại đối với các doanh nghiệp trong việc ứng phó và xây dựng kế hoạch hoạt động trung và dài hạn.
Đơn hàng tiếp tục giảm
Nửa cuối năm 2022 nhiều ngành hàng xuất khẩu ghi nhận số lượng đơn hàng sụt giảm sâu một cách đột ngột, đáng chú ý nhất là dệt may, da giày, đồ gỗ nội thất giảm trung bình từ 30 - 50%, có những trường hợp giảm đến 60 -70% đơn hàng. Tình trạng này vẫn chưa có chuyển biến trong tháng đầu năm 2023.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh cho biết, từ quý III/2022 khi bùng nổ lạm phát ở châu Âu và Mỹ, lượng đơn hàng dệt may giảm sút nhanh chóng. Nhiều doanh nghiệp chứng kiến tình trạng đơn hàng giảm sâu, buộc phải giảm ca làm, giờ làm để duy trì chuyền sản xuất và giữ việc làm cho người lao động trong dịp cuối năm. Cũng vì ít đơn hàng nên các doanh nghiệp chủ động cho công nhân nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, trung bình khoảng 25 ngày, một số doanh nghiệp nghỉ tới 40 ngày.
“Những tháng cuối năm 2022 số lượng đơn hàng xuất khẩu sụt giảm khoảng 25% thì qua quý I/2023 mức độ sụt giảm lên tới 30 - 40%. Chính vì vậy mà tình hình lao động việc năm đầu năm 2023 khác hẳn mọi năm. Thay vì lo lắng thiếu lao động do tình trạng nghỉ việc, nhảy việc sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán thì năm nay hầu hết lao động đều quay lại nhà máy đúng hẹn để giữ việc làm nhưng doanh nghiệp lại không có đủ đơn hàng để vận hành hết các dây chuyền sản xuất”, ông Phạm Xuân Hồng chia sẻ.
Không chỉ có dệt may, mà các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ, nội thất cũng đang gặp tình cảnh tương tự khi đơn hàng trong quý I/2022 chưa có tín hiệu khả quan.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Lâm Việt, cho biết, đơn hàng của công ty trong những tháng đầu năm 2023 chỉ còn khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường xuất khẩu chính của Lâm Việt như Mỹ, châu Âu đều trong xu hướng giảm sức mua, khiến cho đối tác nhập khẩu cắt giảm mạnh đơn đặt hàng.
Tình trạng này kéo dài hơn nửa năm khiến doanh nghiệp phải xoay xở mọi cách để giữ chân người lao động. Nhiều doanh nghiệp khác trong ngành xuất khẩu đồ gỗ cũng gặp phải tình trạng khó chồng khó khi đơn hàng bị sụt giảm mạnh nhưng phải cố gắng “gồng mình” để duy trì sản xuất, tạo việc làm cho công nhân.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các doanh nghiệp đã khẩn trương bắt nhịp với hơn 95% người lao động đã quay lại sản xuất. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang đối diện nhiều khó khăn thách thức, nhiều ngành hàng số lượng đơn hàng chỉ còn khoảng 30 - 40% so với cùng kỳ năm 2022.
Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn; lạm phát toàn cầu, giá nguyên, nhiên liệu tăng trong khi sức mua của thị trường giảm tác động trực diện đến hoạt động xuất khẩu. Thêm vào đó, xung đột quân sự ở nhiều khu vực tác động mạnh mẽ đến chuỗi cung ứng toàn cầu và tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường trước.
Khó dự báo trước
Khác với trước đây, khi gặp khó khăn các doanh nghiệp thường vạch ra kế hoạch ứng phó dựa trên các dự báo về khả năng và thời gian phục hồi, đợt suy giảm đơn hàng từ nửa sau năm 2022 đến nay được các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá là khó lường trước diễn biến tiếp theo.
Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng, tình hình kinh tế - chính trị thế giới năm 2023 tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, nhiều yếu tố rủi ro bất định. Nền kinh tế trong nước, cũng như trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tiếp tục đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức khó lường, có tác động mang tính cộng hưởng.
Theo đó, từ giữa quý IV/2022 khi lạm phát lan rộng từ châu Âu, Mỹ đến các khu vực khác khiến sức mua thị trường giảm dẫn đến nhiều doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ,… thiếu đơn hàng, chỉ sản xuất cầm chừng. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, bất động sản tiếp tục gặp khó khăn về dòng tiền do siết tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi đó, xung đột quân sự Nga - Ukraine chưa hạ nhiệt gây tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng nhiên liệu, nguyên vật liệu đầu vào làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty Meetmore cũng cho rằng, khó khăn hiện nay căng thẳng hơn trong giai đoạn COVID-19 bởi khi dịch bệnh, nhu cầu của người tiêu dùng vẫn còn, chỉ là chuyển từ tiêu dùng tại các không gian chung sang không gian riêng tại nhà. Khi đó doanh nghiệp chỉ cần linh hoạt chuyển đổi sản phẩm (phục vụ nhu cầu tại nhà) và lựa chọn phương thức bán hàng phù hợp (thương mại điện tử) vẫn có thể bán được hàng. Tuy nhiên sang năm 2023, khi kinh tế “ngấm đòn” lạm phát, khả năng chi trả của người dân thế giới đều eo hẹp thì nhu cầu tiêu dùng bị cắt giảm sâu, doanh nghiệp rất khó bán được hàng.
Cùng quan điểm, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc công ty TNHH Việt Thắng Jean cho rằng: Những khó khăn về đơn hàng hiện nay không chỉ có một nguyên nhân mà là kết quả của một chuỗi các yếu tố, biến động bất lợi, từ suy giảm kinh tế hậu đại dịch COVID-19 đến xung đột quân sự, lạm phát và suy thoái kinh tế trên diện rộng. Do đó, để khôi phục lại sức mua, các yếu tố bất lợi kể trên đều phải được hoá giải. Tuy nhiên, đến đầu năm 2023 thì vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy tình hình sẽ được cải thiện, cục diện chung hiện nay sẽ kéo dài ít nhất là hết quý I hoặc quý II/2023, do đó rất khó để doanh nghiệp dự báo nhu cầu và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Theo ông Phạm Văn Việt, khác với những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm nhu cầu chỉ bị giảm sút một phần và sẽ sớm khôi phục ngay khi kinh tế có tín hiệu lạc quan trở lại, các ngành hàng thời trang thường bị tác động giảm cầu sớm và phục hồi chậm hơn một nhịp. Chu kỳ suy giảm tiêu dùng về thời trang ở các thị trường quan trọng như Mỹ, EU thường mất ít nhất 1-2 năm mới có thể quay lại trạng thái bình thường. Đây là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp dệt may trong việc duy trì hoạt động, bởi thời trang cá các sản phẩm theo xu hướng, không thể sản xuất sẵn để dự trữ.