Cụ thể Con Cưng đang có ý định mở rộng thị trường, Saigon Co.op cũng đẩy nhanh mục tiêu đạttối thiểu 2.000 điểm bán vào năm 2025. Hay chuỗi bán lẻ Vinmart và Vinmart+ (sẽ đổi tên thành Winmart và Winmart+) với hơn 2.500 điểm bán đang tăng tốc hợp tác với The CrownX. Sắp tới Nutrifood mở rộng quy mô với 200 cửa hàng trên khắp Tp.HCM.
Tiếp đến, Central Retail sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam với 4 trung tâm thương mại và đại siêu thị GO! tại Thái Nguyên, Bà Rịa, Thái Bình và Lào Cai và 1 siêu thị Mini Go! ở Tây Ninh.
Không chỉ AEON hay Vincom Retail, mà các ông lớn khác cũng đang hướng tới thị trường bán lẻ. Tập đoàn Central Retail Việt Nam vừa ký kết hợp tác đầu tư phát triển ở mảng bán lẻ với Tập đoàn Kido (KDC). Theo đó, KDC sẽ đưa chuỗi F&B Chuk Chuk vào chuỗi trung tâm thương mại (TTTM) GO!, Big C và Tops Market, mang đến cho người tiêu dùng những trải nghiệm dịch vụ và sản phẩm mới. Tập đoàn AEON đang triển khai kế hoạch trung và dài hạn tại Việt Nam, coi Việt Nam là thị trường quan trọng không kém thị trường chính tại Nhật, dự kiến tăng gấp đôi các trung tâm thương mại tại Việt Nam trong thời gian tới. Hiện tại Tập đoàn AEON có 6 trung tâm thương mại tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM và Bình Dương và kế hoạch của họ là sẽ vận hành 25 trung tâm thương mại tại Việt Nam vào năm 2025.
Bên cạnh đó, chuỗi siêu thị với chiến lược giá rẻ lớn nhất Hàn Quốc sẽ "ở lại" Việt Nam và được vận hành dưới dạng nhượng quyền thương mại, Thaco sẽ trả phí bản quyền cho E-mart. Thương vụ này đi cùng kỳ vọng của E-mart là tập đoàn sản xuất ô tô của Việt Nam sẽ mở được 10 siêu thị E-mart đến năm 2025.
Hay Masan, mua lại chuỗi VinMart/VinMart+ từ Vingroup, tập đoàn đã sớm phát đi thông điệp muốn xây dựng điểm đến Point of Life (POL) – nền tảng "tất cả trong một" phục vụ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng trên các kênh mua sắm trực tiếp và trực tuyến. Như vậy thị trường bán lẻ sắp tới ở
Việt Nam sẽ trở nên sôi nổi và cạnh tranh khắc nghiệt hơn khi mà các ông lớn như Thaco hay Massan cũng đang bước chân vào thị trường đầy tiềm năng này.
Theo Colliers Việt Nam, Thương mại điện tử chiếm ưu thế trong và sau đại dịch. Có thể nói đại dịch lần này đã tạo nên một cơ hội lớn để các kênh thương mại điện tử bùng nổ. Cho đến nay, nhiều người vẫn lựa chọn kênh thương mại điện tử để mua sắm mặc dù tình hình dịch bệnh đã có phần thuyên giảm. Cụ thể các kênh bán lẻ như SatraFoods, Bách Hoá Xanh, Vinmart cũng góp phần tạo nên xu hướng trên. Bên cạnh đó các ông lớn chuyên về mảng mua sắm như Tiki và Shopee cũng mở rộng danh mục hàng hoá thiết yếu. Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, Uniqlo cũng theo đà phát triển mảng bán hàng trực tuyến. Euromonitor dự báo doanh số thương mại điện tử tại Việt Nam có thể tăng gấp đôi trong vòng 5 năm tới.
Về triển vọng của thị trường bán lẻ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam cho biết, doanh thu thương mại điện tử của nước này được dự báo sẽ tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 13 tỷ USD trong năm nay. Ngoài ra, thương mại điện tử Việt Nam đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng tổng giá trị hàng hóa cao thứ hai trong khu vực Đông Nam Á và trong 5 năm tới, ngành này dự kiến sẽ tăng trưởng 19%/năm, đến năm 2025.
Báo cáo về thị trường bán lẻ trong quý cuối năm 2021, Colliers Việt Nam cho hay, thị trường bán lẻ có xu hướng hồi phục khi Chính phủ quyết định nới lỏng giãn cách chuyển sang trạng thái "bình thường mới". Sau khoảng thời gian dài đóng cửa do dịch bệnh, giá thuê mặt bằng được ghi nhận chỉ tăng nhẹ hoặc giữ giá thuê cũ của quý trước. Tại khu vực trung tâm của Tp.HCM, trung bình giá thuê tại các trung tâm thương mại ở mức 115USD/m2/tháng, với tỷ lệ trống trung bình tỷ lệ khoảng 5%. Giá thuê trung bình tại khu vực ngoài trung tâm từ khoảng 24,5 USD/m2/ tháng, tỷ lệ trống trung bình khoảng 14%.
Trong khi tại Hà Nội, sau thời gian giãn cách xã hội, thị trường đang dần phục hồi, tạo điều kiện cho các nhà bán lẻ quay lại thị trường. Giá thuê trong khu trung tâm ghi nhận từ 98 USD/m2/tháng, tỷ lệ trống trung bình là khoảng 11%. Ngoài khu trung tâm, giá thuê bắt đầu từ khoảng 21 USD/ m2/tháng với tỉ lệ trống trung bình tỷ lệ khoảng 18%.
Tại Đà Nẵng, sau 2 năm "đóng băng" do chịu tác động từ chu kỳ thị trường và đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có dấu hiệu trỗi dậy và hứa hẹn tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. So với thời điểm trước khi bùng phát đợt dịch lần thứ 4 (từ tháng 4/2021) nhu cầu giao dịch bất động sản tại
Đà Nẵng đã phục hồi gần 70%. Bên cạnh một số dự án mới rục rịch triển khai, thị trường này cũng dần mở cửa chào đón lượng khách du lịch và nhà đầu tư quay trở lại sau giãn cách. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy phân khúc bán lẻ cũng đang trong quá trình hồi phục sau đại dịch.