Tại hội thảo "Humanized HR for the New Now" (Quản trị nhân sự giữa hiện thực mới) vừa qua, bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Talentnet - công ty chuyên cung cấp dịch vụ nhân sự toàn diện thông tin, sau mỗi đợt dịch bùng phát rồi lắng dịu, doanh nghiệp lại có nhu cầu tuyển dụng để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Đặc biệt, theo kết quả khảo sát của Talentnet-Mercer, chỉ 20% doanh nghiệp dự định tuyển thêm nhân viên trong năm nay. Trong khi đó, 10% đơn vị có ý định cắt giảm lượng nhân sự hiện tại, chủ yếu ở các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch như nhà hàng, khách hàng, vận tải...
Ngoài ra, hầu hết số doanh nghiệp còn lại cho biết sẽ không thay đổi số lượng nhân viên mà tập trung vào chiến lược tái đào tạo và nâng cao các kĩ năng mới để giúp nhân viên bắt kịp với các đòi hỏi của thời đại.
Nguồn: Talentnet
Đáng chú ý, sự chênh lệch lương đối với cấp bậc càng cao thì càng đáng kể giữa các loại hình doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp nội trả lương thấp hơn công ty vốn nước ngoài khoảng 23%. Trong đó, chênh lệnh lương của lao động phổ thông ở hai nhóm công ty này là 7%, cấp chuyên viên tăng lên 21%, quản lý đến 31%.
Phân theo ngành nghề, 5 ngành nghề được trả lương cao nhất tại khu vực phía bắc là truyền thông và quan hệ báo chí; marketing và quản lý sản phẩm; quản lý dự án; quản lý, phát triển bất động sản và kỹ sư, chuyên gia. Các lĩnh vực điều phối cung ứng, hóa chất, công nghệ cao và thương mại có sự chênh lệch mức lương khá lớn so với bình quân cả nước, chứng tỏ đây là những ngành có sự cạnh tranh rất cao tại miền bắc.
Talentnet dự báo, trong năm nay, 5 lĩnh vực có tỷ lệ thiếu hụt lao động cao nhất tại Việt Nam sẽ là bất động sản; tài chính ngân hàng; sản xuất; kinh doanh; công nghệ thông tin và những lĩnh vực liên quan đến công nghệ (thương mại điện tử, công nghệ tài chính, công nghệ bất động sản...).
Đại diện Talentnet nhấn mạnh, điều chỉnh hay trả lương thế nào cho người lao động trong mùa dịch là bài toán hóc búa. Các doanh nghiệp Việt Nam cần sớm thay đổi chiến lược trả lương để thu hút và giữ chân nhân tài tốt hơn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần ứng biến nhanh trong mùa dịch bằng cách chuyển đổi mô hình vận hành từ hình tam giác sang hình tròn. Thay vì quản trị từ trên xuống dưới, qua nhiều cấp quản lý khác nhau khiến quy trình xử lý kéo dài, đại dịch đã giúp các doanh nghiệp trao quyền nhiều hơn cho cấp dưới.