Những ngày gần đây, tại các tuyến đường gần khu công nghiệp ở Bình Dương, hàng loạt DN đặt bàn ghế và treo bảng "tuyển dụng gấp" để tìm lao động. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, hiện các DN bố trí chỗ đặt bàn, cử nhân viên túc trực để tìm lao động.
Tại Bình Dương, DN rơi vào tình trạng "khát" lao động sau Tết chủ yếu thuộc các ngành may mặc, chế biến gỗ, bất động sản, linh kiện điện tử. Theo đó, địa phương này có nhu cầu tuyển dụng sau Tết hơn 70.000 người, trong đó lao động phổ thông chiếm 75%. Để thu hút lao động, DN đưa ra mức lương 6 - 18 triệu đồng/tháng.
"Chúng tôi cần khoảng 200 lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Để thu hút lao động, công ty đưa ra mức lương cao hơn các năm, giao động từ 9 đến 12 triệu động/tháng. Tuy nhiên, sau 5 ngày đặt bàn ngoài đường tuyển dụng vẫn chỉ được vài người. Chúng tôi cũng tuyển dụng trên các kênh thông tin và cử nhân sự đến các địa phương tìm người nhưng số lượng rất ít", đại diện phòng Nhân sự Công ty Gỗ Quang Lâm (Bình Dương) nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Hoàng Việt (Bình Dương) chia sẻ thêm: "Trước Tết Nguyên đán, chúng tôi cũng tuyển dụng nhưng có rất ít người tìm việc. Sau Tết, công ty bố trí nhân sự đặt bàn ghế ngoài đường để tìm người lao động nhưng sau vài ngày chỉ được dưới 10 người, trong khi nhu cầu hơn 500 lao động. Có lẽ, do dịch bệnh nên người lao động về quê không mặn mà quay trở lại làm việc".
Nguyên nhân nào khiến lao động khan hiếm?
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho hay, đơn vị đang triển khai các kế hoạch tìm kiếm nguồn lao động để giúp DN ổn định sản xuất hậu dịch COVID-19 và sau Tết Nguyên đán 2022.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động, theo ông Tuyên do khoảng thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, DN buộc phải cho công nhân tạm nghỉ việc. Một số DN lớn buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, bởi họ cho rằng không còn cách nào khác, dẫu rất muốn giữ người làm. Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát, DN cần lao động lại khó tuyển, bởi người lao động tìm việc khác hoặc về quê không quay trở lại. Cũng theo ông Tuyên, trung bình mỗi DN cần tuyển từ 50 đến 1.000 lao động phổ thông, có DN cần tuyển trên 2.000 lao động.
"Chúng tôi đang hy vọng sau Rằm tháng Giêng, người lao động quay trở lại Bình Dương làm việc. Hiện, DN đóng trên địa bàn Bình Dương đều rơi vào tình trạng thiếu người. Một số DN muốn mở rộng quy mô sản xuất nhưng nhân lực thiếu", ông Trần Đức Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty Hưng Phước nói.
Thông tin từ Sở LĐ-TB&XH Bình Dương, hầu hết các DN trên địa bàn đã mở cửa hoạt động trở lại với tỉ lệ lao động đi làm khoảng 70%. Các DN đang gấp rút tuyển dụng lao động để đáp ứng các đơn hàng đã ký kết, đơn hàng mới nên khả năng thiếu hụt lao động rất cao.