Tại Hà Nội, gần 100% doanh nghiệp đã ổn định sản xuất, lượng công nhân đạt khoảng 95%. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện ngày làm 3 ca, năng suất lao động hiện nay đã tăng gấp đôi so với tháng trước.
"Mặc dù dịch bệnh, nhưng 9 tháng qua chúng tôi vẫn tăng trưởng 20%. Nghị quyết 128 của Chính phủ mới ban hành sẽ là động lực để chúng tôi phát triển từ nay đến cuối năm", Giám đốc Nhà máy thực phẩm C.P thành phố Hà Nội Sakchai cho biết.
"Mảng nguyên liệu chúng tôi cũng đã chuẩn bị rất nhiều; tuyển dụng thêm nhân viên cốt cán để phục vụ sản xuất những tháng cuối năm", Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Megapharco Nguyễn Đăng Mạnh chia sẻ.
Tương tự tại Vĩnh Phúc, không khí làm việc tại các khu công nghiệp cũng rất sôi động. Đại diện một doanh nghiệp cho biết, sau Nghị quyết 128 được ban hành, công nhân đã đến nhà máy làm việc nhiều hơn, việc lưu thông hàng hóa thuận tiện hơn. Năng suất lao động cũng cao hơn.
Tại Hà Nội, năng suất lao động của nhiều doanh nghiệp hiện đã tăng gấp đôi so với tháng trước. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Bình quân 9 tháng đầu năm của 230 doanh nghiệp Hàn Quốc chúng tôi đã tăng trưởng 9%. Từ nay đến 9 năm, chúng tôi sẽ tích cực và nỗ lực để sản xuất để đạt kết quả tốt hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ lập kế hoạch chuẩn bị cho sản xuất của năm tới với việc phát triển các sản phẩm mới", Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Vĩnh Phúc Han Jung Ho chia sẻ.
Đại diện thành phố Hà Nội và Vĩnh Phúc cho biết, Nghị quyết 128 đã trao quyền chủ động hơn, linh hoạt hơn cho các cơ sở phòng chống dịch. Các doanh nghiệp cũng đã ý thức được việc này, nên hệ thống y tế tại chỗ cũng đã được kích hoạt, sẵn sàng cho mọi tình huống. Trong các đơn vị sản xuất, các yếu tố về phòng chống dịch như đeo đồ bảo hộ, giữ khoảng cách cũng được các doanh nghiệp thực hiện.
"TP Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện để các chuyên gia người nước ngoài có thể sớm quay trở lại làm việc, cũng như đảm bảo thích ứng an toàn trong phòng chống dịch", Phó Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất thành phố Hà Nội Trần Anh Tuấn nói.
"Nghị quyết 128 đã thật sự được phát huy hiệu quả trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Việc quan trọng nhất từ nay đến cuối năm là khơi thông tất cả những điểm nghẽn, khai thác các nguồn lực để phục hồi sản xuất nhanh nhất, đáp ứng được yêu cầu, thực hiện chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021", Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhận định.
Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp tăng tốc trong thời gian tới, thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, tập hợp các kiến nghị của các doanh nghiệp. Một số chính sách sẽ được xem xét, điều chỉnh và tháo gỡ như: lao động, chính sách về điện, nước, thuế, phí và các dịch vụ khác…