Doanh nghiệp than phiền vì sở làm việc máy móc
Trong buổi gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo UBND TP.HCM và các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản diễn ra vào sáng 22/2, nhiều vấn đề bức xúc cũng như đóng góp ý kiến đã được các doanh nghiệp, hiệp hội bất động sản góp ý, chia sẻ.
Tại buổi hội nghị, ông Lê Hữu Nghĩa – Tổng giám đốc Công ty Lê Thành (một doanh nghiệp chuyên xây dựng nhà ở xã hội) đã phản ánh với lãnh đạo UBND TP.HCM về 2 dự án đang bị vướng thủ tục.
Cụ thể, dự án nhà ở xã hội (NƠXH) của doanh nghiệp này ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, quy mô 2.600 căn, chỉ riêng khâu xin chấp thuận dự án (khâu đầu tiên) đã làm 11 tháng vẫn chưa xong, nguyên nhân do tổ công tác liên ngành không dám duyệt, duyệt thì trái với quy hoạch.
Ông Lê Hữu Nghĩa – Tổng giám đốc Công ty Lê Thành. Ảnh: V.D
Theo lãnh đạo Công ty Lê Thành, khu đất làm dự án có quy hoạch chung là xây dựng nhà cao tầng, tối đa 15 tầng, theo quy định NƠXH thì có thể tăng thêm hệ số sử dụng 50%. Tính toán ra thì tối thiểu hệ số sử dụng đất của khu đất làm dự án phải là 4.5 nhưng theo quy hoạch thì hệ số sử dụng đất 2.0, chỉ vì vướng mắc nhỏ nhỏ này mà gần một năm trôi qua mà mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ.
Một dự án khác, doanh nghiệp đã thoả thuận bồi thường xong, giữa miếng đất có một con mương nước (diện tích khoảng hơn 1.000m2), khi đi làm thủ tục, các cơ quan chức năng yêu cầu phải đấu giá phần đất này theo quy định. Trong khi đó, việc xây dựng nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất...
Sau khi nghe doanh nghiệp trình bày, ông Nguyễn Thành Phong đã hỏi lại doanh nghiệp là tổ công tác liên ngành nói không được, có hướng dẫn không? Doanh nghiệp cho biết, có một cuộc họp nhưng họ thông báo nếu duyệt cho doanh nghiệp là sai quy định.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: V.D
Ngay lập tức, Chủ tịch UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở Kế hoạch Đầu tư giải trình, làm rõ phản ánh này. Đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư cho biết, theo Luật Đầu tư, phải lấy ý kiến của các sở ngành, lấy ý kiến của Sở Quy hoạch Kiến trúc, được trả lời là không phù hợp quy hoạch. Doanh nghiệp đề xuất mật độ xây dựng 39%, quy hoạch chỉ cho phép hệ số sử dụng đất có 2.0 thôi, chưa giải quyết được.
Khi lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư giải trình, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã nổi giận và phê bình Sở này. “Chỉ có công việc nhỏ mà kéo dài 1 năm trời, các ông làm ăn vậy à? Chỉ việc nhỏ như vậy thôi mà kéo dài 11 tháng các ông thấy bức xúc không? Ý tôi là được không được, im lặng kéo dài 11 tháng, anh chị thấy việc này có được không? Chỉ là sự phối hợp mà trả giá 11 tháng. Mai mốt về hưu làm doanh nghiệp các anh sẽ thì thấy bức xúc cỡ nào!”
Theo đại diện của Tập đoàn Novaland, trong vài năm trở lại đây doanh nghiệp có nhiều dự án gặp vướng mắc pháp lý. Tuy nhiên, được sự tháo gỡ của chính quyền tình hình đang tốt lên, các dự án vướng mắc dần được giải quyết vướng mắc. Riêng đối với dự án 30,2ha trên địa bàn phường Bình Khánh, quận 2 (dự án The Water Bay do dính đến đất tái định cư của Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã bị Thanh tra chính phủ dừng lại – PV), đại diện Công ty Novaland đề xuất được tiếp tục triển khai dự án đối với phần đã xây dựng, riêng phần chưa xây dựng thì đồng ý giao lại cho chính quyền để tổ chức đấu giá.
Về vấn đề này, ông Võ Văn Hoan cho biết, việc này là thẩm quyền của Chính phủ, đang còn vướng, tiếp tục báo cáo Chính phủ, đang trong quá trình xem xét.
Cũng “kêu khổ” như các doanh nghiệp khác, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Quốc Cường Gia Lai, cho biết sau lần đối thoại trước, đã có 6/12 dự án của doanh nghiệp đã được tháo gỡ vướng mắc, hiện nay vẫn có 2 dự án đang bị tắc.
Bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai. Ảnh: V.D
Theo bà Loan, dự án có quy mô 91ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè đã triển khai được 12 năm, đã giải phóng mặt bằng 95%, tổng giá trị của dự án lên đến 50 -70.000 tỷ đồng, riêng tiền thuế VAT, tiền sử dụng đất, thuế doanh nghiệp của dự án đã lên đến khoảng 10.000 tỷ đồng. Vướng mắc của dự án hiện nay phần đất xây dựng hạ tầng đã đền bù xong 100% xin chấp thuận giao đất làm hạ tầng trước thì không được chấp thuận. Trong thời gian chờ đợi thì chấp thuận chủ trương, kế hoạch sử dụng đất đã bị hết hạn. Hiện nay, theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, doanh nghiệp quay lại Sở Kế hoạch Đầu tư xin chấp thuận chủ trương và kế hoạch sử dụng đất.
“Đây là bài toán trăn trở của doanh nghiệp, không biết giải quyết thế nào, đây là dự án sống còn của doanh nghiệp, đối tác nước ngoài doạ rút lui, đối tác rút lui thì Quốc Cường Gia Lai không có tiền để trả lại” – Bà Loan nêu ý kiến.
Quốc Cường Gia Lai còn có một dự án 7,4 ha tại phường Phú Hữu, quận 9. Theo bà Như Loan, dự án chỉ có 7,4ha nhưng gánh 1,7ha đất giáo dục, gánh thêm 2.100m2 đất cây xanh. Vấn đề là doanh nghiệp phải gánh cả phần cây xanh bị thiếu của địa phương. Doanh nghiệp đi lại rất nhiều, cuối cùng phải chấp nhận, 3,2m2 cây xanh, 3,2m đất giáo dục/người dân. Cuối cùng dự án chỉ có 2,7ha đất ở; sử dụng được 1 ha thôi (40%).
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) giãi bày, hai năm qua, các doanh nghiệp BĐS gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án. Hiệp hội đã tổng hợp kiến nghị của 19 doanh nghiệp BĐS lớn liên quan đến hơn 30 dự án.
Ông Châu kiến nghị, đối với những nhà đầu tư chưa có quyền sử dụng đất ở hợp pháp; dự án nhà ở có đất nông nghiệp, phi nông nghiệp… phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì trước khi được cấp phép xây dựng, trước khi thi công mà phải nộp tiền sử dụng đất thì điều này chưa phù hợp với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Xây dựng và các văn bản dưới luật đều không quy định chủ đầu tư dự án nhà ở phải nộp tiền sử dụng đất trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án.