Hiện nay, trên thị trường chứng khoán có khoảng 11 cổ phiếu ngành than đang được giao dịch. Năm 2019 được nhìn nhận là một năm thuận lợi của ngành than khi giá than thế giới bứt phá cùng với nhu cầu than trong nước tăng cao.
Nhóm doanh nghiệp niêm yết ngành Than hiện nay gồm Than Hà Lầm - Vinacomin (HLC), Than Vàng Danh - Vinaconmin (TVD), Than Hà Tu - Vinacomin (THT), Than Đèo Nai - Vinacomin (TDN), Than Mông Dương - Vinacomin (MDC), Than Cao Sơn - Vinacomin (TCS), Than Cọc Sáu - Vinacomin (TC6), Than Núi Béo - Vinacomin (NBC), Xuất nhập khẩu Than - Vinacomin (mã CLM) và Kinh doanh Than Miền Bắc - Vinacomin (TMB), Than Tây Nam Đá Mài (TND). Điểm chung của nhóm doanh nghiệp này là đều niêm yết trên HNX, cổ đông nhà nước TKV sở hữu trên 50% vốn, giao dịch tại mức giá thấp.
Than miền Bắc (TMB) dẫn đầu về doanh thu
Kết thúc năm 2019 các doanh nghiệp ngành than đều có mức doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó đứng đầu về doanh thu thuộc về Than miền Bắc (TMB), kết thúc năm 2019, TMB đạt 10.857 tỷ đồng doanh thu thuần cao gấp 2 lần cùng kỳ, trong đó đáng chú ý là trường hợp XNK Than (CLM) doanh nghiệp này suốt từ giai đoạn 2009 – 2018 mỗi năm doanh thu đều chỉ đạt dưới 2000 tỷ đồng và chỉ nằm trong nhóm cuối về doanh thu thì đến 2019 đạt 5.948 tỷ đồng doanh thu thuần tăng cao gấp gần 3 lần so với 2018 vươn lên gần bằng "ông lớn" trong ngành là Than Cao Sơn (TCS).
Một số doanh nghiệp than khác cũng đạt được mức tăng trưởng doanh thu 2 con số bao gồm Than Cao Sơn (26,6%), Than Cọc Sáu (16,6%), Than Tây Nam Đá Mài (14,3%), Than Núi Béo (13,3%), các doanh nghiệp còn ngoại trừ Than Hà Tu doanh thu giảm 13,2% và Than Hà Lầm doanh thu giảm nhẹ cũng đều duy trì doanh thu tăng trưởng.
Có thể lý giải doanh thu của hầu hết các doanh nghiệp ngành than đều tăng trưởng là do nhu cầu tiêu thụ than tăng nhanh chủ yếu là than nhiệt (bitum, antraxit…) để cung cấp cho nhiệt điện, xi măng, phân đạm, hóa chất; than mỡ phục vụ luyện kim; than bùn sử dụng làm chất đốt, phân bón.
Quán quân lãi thuộc về Mỏ Việt Bắc
Mặc dù có doanh thu chỉ bằng một nửa so với TMB nhưng Mỏ Việt Bắc (MVB) mới là quán quân về lợi nhuận, MVB báo lãi ròng 203,4 tỷ đồng trong năm 2019 và cũng là doanh nghiệp than có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong ngành. Cùng với mức doanh thu tăng trưởng mạnh, TMB cũng có LNST đạt 68 tỷ đồng cao gấp 5 lần so với 2018 – Đây cũng là mức lãi ròng cao nhất mà TMB đạt được trong 8 năm qua.
Ở chiều ngược lại Than Cọc Sáu (TC6) bất ngờ báo lỗ tới gần 22 tỷ đồng trong quý 4 khiến lãi ròng cả năm 2019 chỉ đạt gần 7,7 tỷ đồng giảm mạnh so với con số 41 tỷ đồng cùng kỳ nguyên nhân được Than Cọc Sáu đưa ra là do giá vốn và hàng loạt các khoản chi phí đều tăng cao so với 2018. Tiếp đó là trường hợp của Than Núi Béo (NBC), sau khi báo lãi vỏn vẹn hơn 600 triệu đồng trong quý 4 trong khi cùng kỳ lãi hơn 55 tỷ đồng – thấp nhất trong lịch sử niêm yết khiến cả năm 2019 Than Núi Béo (NBC) chỉ lãi 30 tỷ đồng giảm 65,5% so với 2018 – Đây cũng là mức lãi thấp nhất kể từ 2006 đến nay. Lý giải về mức lãi sụt giảm trong quý 4 NBC cho biết đây là số liệu tạm tính do công ty chưa thanh quyết toán chi phí với TKV, đồng thời trong quý 4 công ty đã tiến hành quyết toán thế TNDN của năm 2019.
Dù lãi cao hay thấp cũng vượt xa kế hoạch kinh doanh
Đáng chú ý khi so với kế hoạch kinh doanh năm 2019 thì kể cả doanh nghiệp báo lãi cao hay lãi sụt giảm thì đều vượt xa kế hoạch trong đó Than Hà Tu (THT) chỉ dự kiến lãi hơn 15 tỷ đồng nhưng thực tế lãi gần 81 tỷ đồng cao gấp hơn 5 lần mục tiêu, TDN, TMB, MVB cũng báo lãi cao hơn kế hoạch cả 4 lần. Theo đó có thể thấy các doanh nghiệp ngành than đã quá thận trọng khi lên kế hoạch kinh doanh cho năm 2019.
Trên sàn niêm yết hầu hết các cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp ngành than đều đang có mức giá tăng trưởng so với hồi đầu năm 2019. Chốt ngày giao dịch 19/2, mã CLM đang có mức giá cao nhất 18.700 đ/CP, thấp nhất là giá của cổ phiếu TC6 dừng ở mức 4.600 đ/CP, tuy nhiên khối lượng giao dịch của nhóm cổ phiếu này đều rất èo uột, như CLM 10 phiên gần đây đều không có giao dịch, MVB chỉ có 10 cổ phiếu được giao dịch thành công, TCS và HLC cũng chỉ có vỏn vẹn 455 cổ phiếu và 375 cổ phiếu được khớp lệnh thành công...