Đây là những vấn đề được nhiều doanh nghiệp (DN) nêu ra tại buổi đối thoại giữa chính quyền TP.HCM và các DN, hiệp hội DN trong và ngoài nước ngày 31-8.
Cải tạo công trình phụ cũng rối với thủ tục
Bà Uyên Hồ, chi hội trưởng Chi hội DN Khu Công nghệ cao TP.HCM (SBA), cho biết thủ tục hành chính kéo dài, qua nhiều quy trình với nhiều cơ quan khác nhau dẫn tới mất thời gian, tăng chi phí, làm suy giảm niềm tin của DN. Trên thực tế, để được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể, dù là điều chỉnh cục bộ, DN vẫn mất hai năm mới xong.
Theo bà Uyên, một số DN có nhu cầu xây dựng thêm hạng mục dịch vụ nhỏ hay công trình phụ trợ như ki ốt, mái che, khu vực để xe, nhà vệ sinh, nhà chuyển tiếp chất thải công nghiệp... nhưng gặp nhiều khó khăn do phải chờ lấy ý kiến thanh tra Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và chính quyền địa phương...
Thủ tục hành chính rườm rà, thiếu minh bạch cũng được các DN nêu ra nhiều nhất tại buổi đối thoại này. Đại diện EuroCham, AmCham... đều cho rằng chỉ khi cải thiện được môi trường đầu tư, thủ tục hành chính minh bạch hơn, TP.HCM mới thu hút được đầu tư, phát triển mới thực sự bền vững.
Ông Jean Jacques Boufflet, phó chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), khuyến nghị TP cần xây dựng một khung pháp lý bền vững và có thể dự đoán được. Khung pháp lý cần bao gồm chính sách liên quan đến sử dụng đất, chiến lược khu công nghiệp và khu chế xuất, cũng như các ưu đãi cho các nhà đầu tư trong ngành năng lượng.
Sẽ tăng giám sát quy trình xử lý thủ tục
Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Nên - bí thư Thành ủy TP.HCM - khẳng định những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong giới DN TP.HCM không phải bây giờ mới nghe nhưng vẫn chưa được xử lý, đồng thời yêu cầu các sở ngành liên quan phải có giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Khẳng định vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức ngại, sợ, không dám dấn thân, đột phá và chưa mạnh dạn cùng DN tháo gỡ khó khăn, ông Nên yêu cầu các cán bộ phải thực thi nhiệm vụ với tinh thần không e ngại. Quan trọng là phải vì lợi ích chung, không có động cơ cá nhân, có sai phạm cũng sẽ được xem xét, có rủi ro cũng sẽ được cân nhắc.
"TP phải thu hút DN mới bằng hành động thiết thực, bằng trách nhiệm cụ thể, rõ ràng để biết được tâm tư, tình cảm, khó khăn, vướng mắc và cùng tháo gỡ", ông Nên nói.
Trong khi đó, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết sẽ trả lời hết những câu hỏi của DN trước ngày
10-9, đồng thời cam kết sẽ cải thiện môi trường đầu tư để DN phát triển, một trong những trọng tâm mà TP nỗ lực, đặc biệt sau dịch COVID-19. Theo đó, TP sẽ triển khai một số biện pháp nhằm tăng tính giám sát quy trình xử lý thủ tục, hồ sơ của các sở ban ngành.
Phục hồi nhanh sau dịch
Ông Phạm Phú Trường, chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, cho biết các DN đã cho thấy mức độ hồi phục nhanh chóng sau dịch, dù thách thức vẫn còn rất nhiều. Theo báo cáo tại buổi đối thoại, trong tám tháng đầu năm, đóng góp ngân sách từ khu vực kinh tế tư nhân khoảng 23,5% và FDI khoảng 15%. Như vậy, hai thành phần kinh tế này đã đóng góp gần 40% GDP của TP.HCM.
Doanh nghiệp sẽ dễ tiếp cận vốn hơn?
Theo bà Lý Kim Chi - chủ tịch Hiệp hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, các DN còn nhiều khó khăn, cần có nhiều biện pháp hỗ trợ kịp thời. Ngoài thủ tục hành chính cần được cải thiện để môi trường đầu tư tốt hơn và nâng cao chất lượng chính quyền đô thị, vấn đề vốn cũng rất khó khăn.
"Với vật giá đầu vào tăng nhưng hiện nay DN phải đi vay nhiều hơn nhưng không dễ. Thậm chí có tài sản bảo đảm cũng không được giải ngân do ngân hàng đã cạn room tín dụng. DN ngành thực phẩm cần có cơ chế riêng vì liên quan đến tiêu dùng hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là bình ổn hàng hóa cuối năm", bà Chi nói.
Ông Võ Minh Tuấn, giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết theo chỉ đạo mới đây, sẽ tiếp tục mở room để đạt mức tăng trưởng tín dụng 14%. Như vậy, room tín dụng vẫn còn 4,3%, tương đương 450.000 tỉ đồng, các DN sẽ có điều kiện tiếp cận tốt hơn.