Tiêu thụ thép giảm dần từ tháng 3
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép các loại trong 6 tháng đầu năm đạt 15,9 triệu tấn, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Bán hàng thép các loại hơn 14 triệu tấn, tăng 35%; riêng xuất khẩu 3,4 triệu tấn, tăng 84,4%.
Xét quý II, sản xuất đạt 8,3 triệu tấn, tăng 41% và bán hàng đạt 7,2 triệu tấn, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu đạt 1,8 triệu tấn, tăng 115%.
Tuy nhiên, tiêu thụ thép đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp tính từ tháng 3. Bán hàng thép các loại trong tháng 6 đạt 2 triệu tấn, giảm 15,4% so với tháng trước và tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, hoạt động xuất khẩu vẫn duy trì được đà tăng đạt trên 600.000 tấn trong tháng 5 và 6, tương đương mức cao thiết lập vào tháng 3.
Đơn vị: triệu tấn
Như vậy, tiêu thụ thép ghi nhận sự sụt giảm dần trong nước và vẫn duy trì mức cao khi xuất khẩu. Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhu cầu nội địa có thể yếu hơn trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9 do tính thời vụ, mùa mưa và làn sóng Covid-19 mới khiến cho hoạt động xây dựng trở nên trì trệ. Bên cạnh đó, nhu cầu yếu từ ngành xây dựng, các đại lý cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ do giá thép tăng từ 14,5 triệu đồng/tấn trong tháng 3 lên 17,5 triệu đồng/tấn trong tháng 6 (chưa bao gồm VAT).
Trong cơ cấu xuất khẩu, mặt hàng tôn mạ chiếm tỷ trọng lớn nhất nửa đầu năm với 41%, tăng từ mức 32% cùng kỳ năm trước. Sản lượng xuất khẩu nửa đầu năm đạt 1,46 triệu tấn, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. VDSC đánh giá sản lượng tiêu thụ tôn mạ có thể duy trì ở mức cao trong nửa cuối năm do hoạt động xuất khẩu thuận lợi. Nhu cầu thép tại châu Âu và Bắc Mỹ hiện cao, nhờ được thúc đẩy bởi sự phục hồi của hoạt động xây dựng khi dịch bệnh đang được kiểm soát tốt hơn. Bên cạnh đó, EU sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu thêm ba năm nữa chủ yếu nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Trung Quốc. Do đó, chính sách này tiếp tục duy trì điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ Việt Nam. Ngoài ra, chênh lệch giá thép giữa châu Âu, Bắc Mỹ và Việt Nam ngày càng tăng, đồng nghĩa với mức biên lợi nhuận tốt cho các nhà xuất khẩu nội địa.
Giá thép xây dựng trong nước tháng 6 có xu hướng ổn định quanh mức 16.200-16.500 đồng/kg do giá nguyên vật liệu thế giới chững lại. VSA dự báo giá thép xây dựng tháng 7 sẽ có nhiều khó khăn khi bước vào mùa mưa, sự cạnh tranh rất lớn từ các nhà sản xuất thép xây dựng hàng đầu Việt Nam, ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều công trình tạm thời hoãn lại.
Giá thép chững lại trong tháng 6 và dự báo giảm trong quý III. |
Lợi nhuận doanh nghiệp thép quý II vẫn khả quan
Theo SSI Research, giá thép tăng đang kể thời gian vừa qua sẽ giúp các doanh nghiệp thép tiếp tục ghi nhận lợi nhuận kỷ lục trong quý II. Cụ thể, tổ chức này ước tính lợi nhuận Hòa Phát ( HoSE: HPG ) quý II có thể đạt mức cao kỷ lục 9.700 tỷ đồng, tăng 50%. Sản lượng thép thô ước tính tăng 60% so với cùng kỳ, nhờ sự đóng góp của 2 lò cuối của khu liên hợp gang thép Dung Quất. Ngoài ra, việc giá thép xây dựng và giá HRC tăng 50-80% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, SSI Research kỳ vọng lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hoa Sen ( HoSE: HSG ) trong quý III niên độ 2020-2021 tăng 390% so với cùng kỳ năm trước đạt 1.550 tỷ đồng. Điều này được thúc đẩy bởi sản lượng tăng mạnh đặc biệt là ở kênh xuất khẩu và giá thép tăng cao.
Theo thông tin Hoa Sen công bố, trong tháng 4 và 5 doanh nghiệp đã lần lượt ghi nhận lợi nhuận kỷ lục 538 tỷ và 602 tỷ đồng, vượt trội so với các tháng trước và tổng 2 tháng đã vượt qua mức kỷ lục thiết lập trong quý II niên độ 2020-2021 (1.035 tỷ đồng).
Nam Kim ( HoSE: NKG ) cũng thiết lập kỷ lục lợi nhuận mới trong quý II với 848 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 17 tỷ cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp lãi 1.166 tỷ đồng, gấp 20 lần thực hiện năm trước và vượt 94% chỉ tiêu lợi nhuận.
Nguyên nhân được doanh nghiệp lý giải là do đẩy mạnh kênh bán hàng trong và ngoài nước, trong đó kênh xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Riêng xuất khẩu tôn mạ đạt 304.597 tấn, tương đương hơn 64% tổng sản lượng sản xuất trong kỳ. Đồng thời, sản lượng tăng mà chi phí giảm giúp biên lợi nhuận cải thiện, biên lợi nhuận gộp tăng từ 6,7% lên 16%.
Tương tự, Thép Tiến Lên ( HoSE: TLH ) cũng có thể có quý II bội thu khi riêng tháng 4 và 5 ghi nhận lãi 170 tỷ đồng, cao hơn 42% so với quý I. Lợi nhuận Thép Tiến Lên đặc biệt vượt trội khi đạt 115 tỷ đồng tháng 4, qua tháng 5 vẫn duy trì mức cao nhưng giảm đáng kể so với tháng trước.
Thép Tiến Lên chủ yếu là kinh doanh thương mại sản phẩm thép nên việc trích trữ hàng tồn kho với giá bình quân thấp là lợi thế trong bối cảnh giá thép tăng cao thời gian qua. Cuối quý I, doanh nghiệp tăng giá trị hàng tồn kho 25% so với đầu năm lên 2.074 tỷ đồng, chủ yếu là hàng hóa 1.607 tỷ đồng.
Đơn vị: tỷ đồng |