Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Bộ Tài chính giám sát về tài chính trong sáu tháng đầu năm 2022 với các doanh nghiệp trực thuộc bộ là đại diện chủ sở hữu.
Hiện có 11 doanh nghiệp thuộc quản lý của Bộ Công Thương, song doanh nghiệp có trên 50% vốn nhà nước thuộc đối tượng gửi báo cáo giám sát là chín doanh nghiệp.
Trong đó, với Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco), mặc dù kinh doanh có lãi nhưng tỉ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu thấp. Bộ đánh giá có rất nhiều tồn tại về tài chính, vướng mắc chưa được xử lý, các đơn vị thành viên hoạt động không hiệu quả.
Đặc biệt là dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam - thuộc diện 12 dự án yếu kém thua lỗ ngành công thương - đến nay chưa hoàn thành quyết toán, việc bán tài sản cố định và hàng hóa tồn kho gặp khó do ngân hàng khởi kiện Vinapaco.
Trong khi đó, một số công ty khác trực thuộc Vinapaco cũng làm ăn kém hiệu quả. Đơn cử như Công ty TNHH MTV nguyên liệu giấy Miền Nam, quản lý dự án trồng rừng nguyên liệu giấy Kon Tum đang gặp khó khăn trong huy động vốn, ngân hàng dừng giải ngân vì dự án hết chu kỳ vay vốn. Lượng tiền công ty tạo ra không đủ trả nợ, với khoản nợ lên tới 300 tỉ đồng.
Hay với Công ty cổ phần giấy BBP đã dừng hoạt động trong khi Vinapaco góp 23,79% vốn và hiện đã trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn cho toàn bộ giá trị vốn góp.
Với Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) có doanh thu đạt 137,8 tỉ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ 10,4 tỉ đồng. Một số công ty con, công ty liên kết có kết quả kinh doanh thua lỗ, được công ty mẹ trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn lên tới 243,3 tỉ đồng.
Như với Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn, lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh lên tới 128,5 tỉ đồng, nhưng do phần lãi chênh lệch tỉ giá bù đắp nên giảm lỗ còn 82,3 tỉ đồng. Công ty TNHH MTV Cơ khí hóa chất Hà Bắc lỗ 1,1 tỉ đồng do không có nhiều việc làm; Công ty TNHH MTV Xây lắp hóa chất lỗ 1,2 tỉ đồng; Công ty cổ phần Cơ khí xây lắp hóa chất lỗ 900 triệu đồng…
Với Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp (MIE) có tổng doanh thu hơn 114 tỉ đồng nhưng cũng chịu cảnh thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Hệ số thanh toán nợ ngắn hạn là 0,13 lần, hệ số khả năng thanh toán nhanh là 0,50 lần, Bộ Công Thương cho rằng khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, khó khăn trong việc chi trả, tính thanh khoản thấp.
Hoạt động của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp (VEAM) có khả quan hơn, khi doanh thu đạt hơn 5.086 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 4.672,22 tỉ đồng, được đánh giá là tài chính lành mạnh, bảo toàn và phát triển vốn.
Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư của VEAM chủ yếu đến từ các công ty liên doanh với Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam do hưởng tiền cổ tức. Trong khi các khoản đầu tư vào công ty con hiệu quả chưa cao, nhiều công ty phát sinh lỗ và lỗ lũy kế như Công ty TAMAC, Viện Công nghệ, Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo, Công ty Veam Korea, Công ty cổ phần Nakyco….
Một trong những điểm sáng về đầu tư của doanh nghiệp do Bộ Công Thương quản lý là Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO). Với tổng doanh thu là 2.572 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 176,6 tỉ đồng, doanh nghiệp này kinh doanh có lãi và một số chỉ tiêu tài chính cơ bản đảm bảo an toàn theo quy định.
Một số công ty khác thuộc Bộ Công Thương quản lý duy trì doanh thu, lợi nhuận và bảo toàn được vốn như Công ty cổ phần Xây dựng và xuất nhập khẩu tổng hợp (Conexim), tổng doanh thu 9,6 tỉ đồng. Công ty cổ phần Viện máy và dụng cụ công nghiệp (Viện Imi) hoạt động có lãi. Công ty cổ phần Viện nghiên cứu dệt may (VTRI) có tổng doanh thu 48,7 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế là 2,33 tỉ đồng, bảo toàn được vốn...