Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước tháng 9/2020 đạt 826,31 triệu USD, tăng 1,4% so với tháng 8/2020 và tăng 13,5% so với cùng tháng năm 2019, cộng chung cả 9 tháng đầu năm 2020 đạt trên 6,04 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2019.
Điểm sáng trong ngành thuộc về công ty mẹ Thủy sản Minh Phú (MPC), mặc dù doanh thu thuần quý 3 chỉ đạt 2.781 tỷ đồng giảm 15% so với cùng kỳ nhưng nhờ cổ tức được chia và lãi tiền gửi đã giúp MPC lãi sau thuế đạt 166 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của công ty mẹ Minh Phú sụt giảm 21,2% đạt mức 6.618 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 409 tỷ đồng, giảm 15% so với 9 tháng đầu năm 2019.
Các ông lớn trong ngành lần lượt công bố KQKD giảm sút so với cùng kỳ trong đó Vĩnh Hoàn (VHC) có doanh thu thuần giảm nhẹ 4% về 1.816 tỷ, LNST giảm 31% về 175 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu Công ty giảm 11% xuống còn 5.094 tỷ đồng, lãi sau thuế 552 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ.
Nam Việt (ANV) thậm chí còn có mức doanh thu thuần giảm tới 28% xuống còn hơn 808 tỷ đồng, sau khi giảm trừ các khoản chi phí thuế, ANV ghi nhận lãi sau thuế 40 tỷ đồng, giảm mạnh 74% so với cùng kỳ. Phía công ty cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên giá bán giảm cũng như doanh thu bán hàng giảm nên đã dẫn đến kết quả lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, ANV đạt 2.503,6 tỷ đồng doanh thu thuần, LNST đạt 115,5 tỷ đồng lần lượt giảm 19% và 77% so với 9 tháng đầu năm 2019.
Đáng chú ý bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, Thực phẩm Sao Ta (FMC) và Camimex Group (CMX) cùng công bố mức doanh thu quý 3 lần lượt tăng 45% và 37,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên do ảnh hưởng từ đại dịch kéo dài trên toàn cầu, gia tăng thêm các chi phí trong phòng chống dịch, giá bán khó nâng lên tương ứng với đà tăng đầu vào nên lợi nhuận sau thuế của FMC đạt 70,3 tỷ đồng vẫn giảm 8% so với quý 3 năm ngoái và Camimex Group (CMX) lãi sau thuế đạt 16,54 tỷ đồng giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT), Thủy sản Bạc Liệu (BLF), Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL), Thủy sản Mekong (AAM) lần lượt công bố mức doanh thu quý 3 sụt giảm 10.6%, 25%, 31,4% và 56,4% kéo theo lợi nhuận cùng lần lượt giảm mạnh trong đó mức giảm mạnh nhất thuộc về ABT, doanh nghiệp này lãi quý 3 chỉ đạt 2,4 tỷ đồng giảm tới 87% so với cùng kỳ.
Thủy sản Ngô Quyền (NGC) mặc dù quý 3 doanh thu giảm sâu gần 77% so với cùng kỳ nhưng nhờ nỗ lực cắt giảm chi phí nên đã có lãi gần 700 triệu đồng sau 4 quý liên tiếp trước đó kinh doanh thua lỗ.
Thủy sản 4 (TS4) mặc dù có kết quả kinh doanh quý 3 không tệ khi doanh thu thuần thu về đạt 124 tỷ đồng cao gấp hơn 4 lần cùng kỳ và có lãi hơn 400 triệu đồng, tuy nhiên con số lỗ hợp nhất 9 tháng đầu năm 2020 bất ngờ tăng cao lên tới 95 tỷ đồng trong khi trước đó tại BCTC hợp nhất quý 2 con số lỗ 6 tháng chỉ là 23 tỷ đồng. Sau khi liên tục bị SGDCK Tp.HCM nhắc nhở chậm nộp BCTC soát xét bán niên năm 2020 và đưa cổ phiếu TS4 vào diện cảnh báo hiện TS4 vẫn chưa công bố BCTC bán niên soát xét 2020.