Theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chưa đầy 2 ngày nữa, lệnh cách ly xã hội sẽ được dỡ bỏ. Nhưng nhiều doanh nghiệp, tiểu thương, kể cả tiểu thương “hè phố” đang hồi hộp, có cả hoang mang… vì đến lúc này, chưa có thông báo chính thức.
Bến xe Miền Đông "cửa đóng then cài" kể từ ngày 1/4/2020. Nhiều hãng xe chờ đợi ngày mở cửa trở lại.
Ảnh: Song Minh
Ông Túc, đại diện của hãng xe Phi Hiệp chạy tuyến Sài Gòn – Đà Nẵng cho Dân Việt biết: “Hôm qua, 13/4, tôi có hỏi phòng điều độ của bến xe Miền Đông về thời gian hoạt động trở lại vì đã sắp đến ngày 16/4 như Chỉ thị 16 của Chính phủ nhưng ở trển họ nói chờ khi nào có thông tin mới sẽ báo cho các hãng”.
Ông Túc nói: “Có gì phải cho tụi tui biết sớm 2 – 3 ngày để còn có kế hoạch gọi tài xế, chuẩn bị xăng dầu, thông báo cho khách gởi hàng, bán vé cho khách… Nếu để ngày 15/4 mới báo, hãng phải mất thêm vài ngày mới xuất hành được. 15 ngày cách ly xã hội cánh tài xế đã đói lắm rồi”.
Nhiều hãng xe chạy tuyến Sài Gòn – Pleiku cũng cùng chung nỗi niềm như ông Túc. Ông Nam, quản lý hãng xe Hồng Hải ở đầu Sài Gòn nói: “Đầu ngày hôm nay (14/4), lãnh đạo bến xe Miền Đông có thông báo cho các hãng là chờ đến hết ngày 15/4 sẽ có thông báo mới. Nếu không có thông báo mới, ngày 16/4 sẽ chạy lại. Nhưng nói là vậy, lúc này chúng tôi cũng ngồi trên đống lửa vì không biết có được chạy hay không”. Theo ông Nam, về phía nhân viên và tài xế, hãng đã thông báo trước “sẽ làm lại vào ngày 16/4” nhưng quan trọng nhất là khách hàng. “Vì chưa rõ có trục trặc gì không nên đến hôm nay, hãng vẫn chưa bán vé và thông báo cho các khách gởi hàng. Lỡ không được chạy”.
Nhiều quán ăn bám mặt đường sống tạm qua ngày bằng hình thức bán "mang đi". Ảnh: Song Minh.
Lo lắng nhất chính là các nhà hàng, quán ăn. Dù có bán theo hình thức “mang đi” nhưng nhiều quán ăn nói rằng, lượng khách đã giảm 70 – 80%. Như quán ăn bà Thảo (đường số 8, P.11, Gò Vấp, TP.HCM) giờ chỉ kiếm 200.000 đồng/ngày, coi như hai vợ chồng bỏ công kiếm lời qua ngày. Bà Thảo nói: “Có gì phải cho biết trước vài ngày để còn chuẩn bị đặt hàng. Ngày đó mà ai cũng ùn ùn mua, liệu có đủ hàng để lấy?”.
Bà Tám Mập, chủ một nhà hàng khá lớn trên đường Lê Văn Sỹ (Tân Bình, TP.HCM) bình luận: “Chính quyền nói đóng cửa đến hết ngày 15/4 mà giờ này chưa nói gì, đúng là khó thiệt. Lỡ đặt hàng mà cách ly tiếp thì sao? Đối đế phải trữ đông nhưng tủ nào đựng cho hết hàng đây? Tui còn sợ lên giá đó”. Nhà hàng của bà Tám Mập có chừng 15 bàn nhưng đã đóng cửa cách đây 1 tháng. Giờ bà chỉ còn giữ xe bán xôi sáng “kiếm sống qua ngày”.
Nhiều lao động giờ đang rơi vào cảnh kiếm sống vất vả. Trong ảnh: Nhiều tài xế GrabBike ngồi chờ khách đặt xe hoặc đặt thức ăn tại Bitexco (Q.1, TP.HCM). Ảnh: Song Minh
Ông Hữu Nhơn, Giám đốc điều hành Công ty thực phẩm Ngon Ngon (Hóc Môn, TP.HCM) nói rằng, với năng lực của công ty, hiện nguồn nguyên liệu như thịt, cá, tôm, cua…, chỉ đủ sản xuất trong 3 – 5 ngày. “Nếu biết sớm và chính xác ngày nào tháo dỡ lệnh cách ly xã hội, công ty có kế hoạch chuẩn bị nguồn nguyên liệu để sản xuất. Nếu bị động, hoặc là thiếu nguyên liệu hoặc là chấp nhận giá đầu vào cao hơn vì nhiều nơi cũng có nhu cầu nguyên liệu sản xuất. Sợ nhất là cảnh tranh nhau mua bán”, ông Nhơn nói.
Theo vị giám đốc này, khi tháo dỡ lệnh cách ly, nhu cầu mua sắm của các nhà hàng, quán ăn tăng mạnh, là cơ hội sống của doanh nghiệp vì hiện nay giá nguyên liệu đầu vào, nhất là thịt heo đang neo ở giá cao. “Trong thời gian dịch Covid-19, ngành sản xuất thực phẩm bán được hàng nhưng không có lời vì đã cam kết không tăng giá trong vòng 6 tháng với các nhà bán lẻ vừa ký vào hồi đầu năm. Khi sức mua của nhiều kênh tăng, công ty sẽ có thêm nhiều đầu mối mới, lượng hàng tăng, doanh nghiệp có thêm chút lãi để bù vào những ngày không thể tăng giá”, ông Nhơn lý giải.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, “Đẹp nhất là hôm nay Chính phủ cho quyết định cuối cùng để còn biết mà tính. Công bố trễ ngày nào, doanh nghiệp khổ tâm ngày đó. Nếu tháo dỡ, phải mất 3 – 5 ngày mới gọi là quen nhịp lại, chưa nói gì đến chuyện lời lỗ”. Ông Nam của hãng xe Hồng Hải chia sẻ: “Có nhiều tài xế đã nghỉ không lương 1 tháng. Họ như phụ hồ vậy, chạy chuyến nào xào chuyến đó, vừa đủ cho bản thân và gia đình, không hề có dư”.
Chiều ngày 13/4, tại buổi họp giao ban trực tuyến với Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng “tiếp tục kéo dài thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 30/4". Theo ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhiều địa phương và các bộ cho rằng “cần thiết kéo dài thời gian cách ly xã hội”. |