Giá cao su tăng trên 25%, xuất khẩu tăng 110%
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, xuất khẩu cao su 2 tháng đầu năm ghi nhận 320.000 tấn, tăng mạnh 90%; giá trị đạt 516 triệu USD, tăng 110% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 2, xuất khẩu cao su đạt khoảng 130.000 tấn, trị giá 211 triệu USD; lần lượt tăng 68% về lượng và tăng 86% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cao su thiên nhiên sang Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc, riêng thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lên đến 76%. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường này đạt 1,78 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2019; khối lượng 1,36 triệu tấn, tăng 17,3%.
Không chỉ vậy, giá cao su thiên nhiên cũng ghi nhận dấu hiệu tích cực. Giá xuất khẩu bình quân tháng 2 tăng 0,9% so với tháng 1/2021 và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước lên mức 1.623 USD/tấn.
Công ty Cao su Đồng Phú ( HoSE: DPR ) cho biết giá bán cao su bình quân 2 tháng đầu năm đạt 46 triệu đồng/tấn, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá xuất khẩu và ủy thác xuất khẩu là 43,37 triệu đồng/tấn; giá tiêu thụ nội địa 48,2 triệu đồng/tấn. Công ty Cao su Tây Ninh ( HoSE: TRC ) ghi nhận giá bán bình quân 46,3 triệu đồng/tấn, tăng 35% so với mức bình quân 2020.
Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Tokyo ghi nhận tăng mạnh lên gần 330 JPY/kg vào tháng 1 sau đó hạ nhiệt, tính đến 12/3 đạt 272 JPY/kg, cao hơn gấp đôi so với mức thấp kỷ lục 130 JYP/kg thiết lập vào tháng 4/2020.
Nguồn: https://tradingeconomics.com/
Theo dự báo của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) nhu cầu đối với cao su trong thời gian tới sẽ ngày càng tăng do dự báo nền kinh tế Trung Quốc - nước tiêu thụ cao su hàng đầu thế giới - tiếp tục cải thiện, nhất là vào năm 2021. Đồng thời, các hãng ôtô đẩy tăng sản lượng cũng khiến nhu cầu cao su thiên nhiên tăng theo. Trong khi nguồn cung có thể bị gián đoạn do yếu tố thời tiết, sản lượng tại các quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới như Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Malaysia có thể giảm khi mùa đông bắt đầu, cây cao su rụng lá và cho sản lượng mủ thấp. Nhờ vậy, giá bán cao su dự kiến tiếp tục tăng.
Tổ chức nghiên cứu cao su Quốc tế (IRSG) dự báo nhu cầu cao su tự nhiên thế giới năm 2021 sẽ hồi phục nhờ tăng trưởng của phân khúc xe thương mại, chủ yếu nhờ thị trường của những nước mới nổi. Trong khi đó, nhu cầu cao su tổng hợp năm 2021 dự báo sẽ tăng 10,2% so với năm 2020 nhờ nhu cầu găng tay và các sản phẩm khác tăng mạnh trong mùa dịch.
Doanh nghiệp lên kế hoạch lợi nhuận giảm
Doanh nghiệp cao su lên kế hoạch kinh doanh 2021 giảm so với thực hiện 2020. |
Trong báo cáo gửi ĐHĐCĐ thường niên, lãnh đạo Cao su Phước Hòa ( HoSE: PHR ) cho biết gặp thuận lợi là giá bán mủ cao su các tháng đầu năm khá cao. Tuy nhiên, đánh giá chung cho cả năm, lãnh đạo Phước Hòa cho rằng tiếp tục là một năm khó khăn, từ năm 2021 trở đi các dự án tái canh trồng cao su không được miễn tiền thuê đất trong giai đoạn đầu tư cơ bản, tình hình xuất khẩu hạn chế khi thị trường xuất khẩu lớn nhất – Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại do đã mua mạnh trong quý cuối năm.
Theo đó, doanh nghiệp đề ra kế hoạch tiêu thụ 34.000 tấn, tăng 7%; giá bán bình quân 34 triệu đồng/tấn, tăng 2% so với mức thực hiện 2020. Riêng quý I, doanh nghiệp đặt mục tiêu tiêu thụ 6.130 tấn mủ quy khô, thực hiện 18% kế hoạch năm; giá bán bình quân 43 triệu đồng/tấn, cao hơn 26% so với mức bình quân năm.
Bên cạnh mảng cao su thì Phước Hòa các năm gần đây cũng đẩy mạnh mảng bất động sản khu công nghiệp. Lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 ở những tháng đầu năm khiến việc thu hút đầu tư gặp khó khăn.
Do vậy, HĐQT dự kiến trình cổ đông kế hoạch doanh thu công ty mẹ 1.921 tỷ đồng, giảm 13,6%; lợi nhuận trước thuế 751 tỷ đồng; giảm 35%.
Cao su Đồng Phú cũng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2021 dựa trên giá bán bình quân 33,3 triệu đồng/tấn, giảm 6% so với thực hiện 2020; sản lượng tiêu thụ 13.000 tấn, giảm 14%. Doanh thu tiêu thụ cao su và dịch vụ đạt 821 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 187 tỷ đồng; lần lượt tăng 6% và giảm 8% so với năm trước.
Mặc dù tháng 1 ghi nhận giá bán bình quân đạt 46,3 triệu đồng/tấn nhưng Cao su Tây Ninh đặt kế hoạch kinh doanh 2021 dựa trên mức bình quân 33 triệu đồng/tấn, giảm 5% so với mức bình quân cả năm 2020. Theo đó, chỉ tiêu tổng doanh thu 301 tỷ đồng, giảm 30%; lợi nhuận trước thuế 57 tỷ đồng, giảm 49%.
Công ty Cao su Tân Biên ( UPCoM: RTB ) lên kế hoạch năm 2021 tiêu thụ 9.500 tấn, giảm 32% so với thực hiện 2020; doanh thu tiêu thụ cao su 304 tỷ đồng, giảm 33%. Riêng với quý I, doanh nghiệp kỳ vọng tiêu thụ 1.625 tấn, thực hiện 17% kế hoạch năm; doanh thu 66 tỷ, đạt 22% kế hoạch; giá bán bình quân 40,74 triệu đồng/tấn.
|