Theo thông tin Tổng cục Hải quan vừa công bố, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/8, tổng trị giá xuất khẩu của cả nước đạt 157,35 tỷ USD, tăng 8,4%, tương ứng tăng 12,19 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, tổng kim ngạch của khối doanh nghiệp trong nước đạt 49,54 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc doanh nghiệp trong nước duy trì được mức tăng trưởng xuất khẩu 2 con số là tín hiệu rất lạc quan trọng bối cảnh kim ngạch của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng thấp hơn so với thông lệ nhiều nằm qua.
Cụ thể, hết 15/8, kim ngạch của doanh nghiệp FDI mới đạt 107,81 tỷ USD, chỉ tăng 6,1% tương ứng tăng 6,18 tỷ USD so với cùng thời gian năm 2018 và chiếm 68,5% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Tuy nhiên, như đề cập ở trên, do kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước duy trì mức tăng cao nên kéo được tốc độ tăng trưởng kim ngạch chung của cả nước vẫn đạt khá ở mức 8,4%.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng thêm của doanh nghiệp trong nước đạt khoảng 6 tỷ USD, đóng tới 49,3% vào kim ngạch xuất khẩu tăng thêm của cả nước.
Đây là mức đóng góp vào kim ngạch tăng thêm cao nhất trong nhiều năm gần đây của khối doanh nghiệp trong nước. Đơn cử như cùng kỳ 2018, tỷ lệ đóng góp này chỉ khoảng 30,5%.
Do khối doanh nghiệp trong nước duy trì được mức tăng trưởng cao nên cơ cấu tỷ trong kim ngạch xuất khẩu cả nước cũng có thay đổi nhất định so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, hiện tỷ trọng kim ngạch của doanh nghiệp trong nước chiếm 31,5%, trong khi 1 năm trước đây con số này là 29,9%.
Sự vươn lên về tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp trong nước ngoài yếu tố tự thân, còn xuất phát từ lý do nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta do giới doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế bị sụt giảm mạnh bởi các cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn.
Điển hình nhất là nhóm hàng điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện- 2 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Hết 15/8, xuất khẩu điện thoại và linh kiện mới đạt 30,33 tỷ USD, tăng 6,1%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ năm 2018 so với 2017 lên đến hơn 17%.
Trong khi nhóm hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 20,21 tỷ USD, tăng 15,7%, tuy nhiên con số này vẫn thấp hơn tốc độ tăng 17,3% của năm ngoái.