Không được trả góp
Ngày 12/4, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Thái Minh Giao cho biết, đã có công văn số 3285 gửi Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên Môi trường, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TPHCM, Trung tâm phát triển quỹ đất TPHCM về việc Công ty CP Dream Republic (trúng giá lô đất 3-5) và Công ty CP Sheen Mega (trúng giá lô 3-8) gửi công văn cho UBND TPHCM xin gia hạn và chia thành nhiều đợt nộp tiền trúng đấu giá đất cùng các loại phí liên quan, tiền phạt chậm nộp kéo dài đến tháng 9/2022.
Theo đó, căn cứ vào đề xuất của hai doanh nghiệp xin kéo dài thời gian nộp tiền, Cục Thuế TPHCM sẽ thu thêm khoản chậm nộp, đồng thời áp dụng các biện pháp cưỡng chế việc nộp tiền sử dụng đất theo đúng hướng dẫn của Luật Quản lý thuế.
Hiện tại, TPHCM chưa thể hủy hợp đồng mua bán với 2 doanh nghiệp chậm nộp tiền trúng đấu giá.
Tuy nhiên theo quy định tại Điều 6 Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá ký kết giữa Trung Tâm phát triển Quỹ đất TPHCM, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TPHCM và hai công ty trên vào ngày 17/12/2021 có quy định “Quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký Thông báo của cơ quan thuế mà Bên C (doanh nghiệp) không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá là vi phạm hợp đồng mua tài sản đấu giá.
Khi đó Bên B (Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TPHCM) thông báo về việc không nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá của Bên C để Bên A (Trung tâm phát triển Quỹ đất TPHCM) báo cáo Sở Tài nguyên Môi trường trình UBND TPHCM hủy quyết định công nhận quyết định trúng đấu giá quyền sử dụng đất”.
Như vậy, căn cứ vào thời điểm “Ký Thông báo của cơ quan thuế” thời hạn 180 ngày sẽ kết thúc vào ngày 6/7/2022. Lúc đó Sở Tài nguyên Môi trường phải trình UBND TPHCM hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất. Do đó Cục Thuế TPHCM đề nghị các sở ngành có ý kiến về tiến độ thanh toán để có cơ sở tổng hợp báo cáo UBND TPHCM xem xét giải quyết.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc doanh nghiệp trúng đấu giá đất phải thực hiện theo quy định Luật đấu giá. Ông Phớc nêu rõ, trong Luật đấu giá cũng như quy định của pháp luật có liên quan không quy định “trả góp” thì doanh nghiệp không được thực hiện.
Trước đó, Công ty CP Dream Republic đã trúng đấu giá lô đất số 3-5 (diện tích 6.446m2). Doanh nghiệp này phải đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ đối với diện tích thực hiện chức năng thương mại dịch vụ.
Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 (diện tích 8.568,1m2), đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, được miễn nộp lệ phí trước bạ theo hướng dẫn về lệ phí trước bạ đối với diện tích đất ở. Tuy nhiên tính đến ngày 8/4/2022 quá hạn nộp tiền đợt 1 (50%) là 62 ngày và đợt 2 (50%) là 2 ngày nhưng hai doanh nghiệp này vẫn chưa nộp tiền.
Sau đó, hai doanh nghiệp này xin kéo dài thời gian nộp tiền trúng đấu giá đất và các khoản phí liên quan, bao gồm tiền phạt chậm nộp đến tháng 9/2022. Cụ thể, tháng 4 nộp 15% và các tháng 5, 6, 7, 8 mỗi tháng nộp 17%, tháng 9/2022 thanh toán toàn bộ số tiền còn lại.
Sự trùng hợp của các nhà đầu tư
Theo hồ sơ của Tiền Phong, Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega đều có liên hệ đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Cụ thể, một trong ba cổ đông sáng lập của Công ty CP Dream Republic là ông Đặng Minh Thắng. Ông Thắng lại là Tổng Giám đốc của một công ty có tên Innoware mà ở đó bà Trương Huệ Vân-cháu của bà Trương Mỹ Lan-là Thành viên HĐQT.
Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega đều có liên hệ đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. |
Còn ở Công ty CP Sheen Mega, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Huyền tham gia góp vốn sáng lập Đắc Vạn Hưng, đơn vị gián tiếp sở hữu cổ phần tại Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, chủ đầu tư dự án Sài Gòn Peninsula (quận 7, TPHCM) nhưng chưa thể triển khai nhiều năm qua và cũng từng được Vạn Thịnh Phát giới thiệu trên trang chủ của mình.
Đáng chú ý, Công ty CP Capital One Financial so kè quyết liệt với Ngôi Sao Việt, công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, để giành quyền mua lô đất 3-12. Ở lần trả giá thứ 69, Capital One Financial đã đưa ra mức giá 23.800 tỷ đồng và chỉ chấp nhận dừng trả giá khi bị ông Đỗ Anh Dũng “phủ đầu” với bước giá 700 tỷ đồng, nâng giá chốt lên 24.500 tỷ đồng. Công ty CP Capital One Financial được thành lập vào tháng 9/2018 với vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, có 3 cổ đông sáng lập đều mang quốc tịch Việt Nam.
Cổ đông lớn nhất của công ty này đồng thời giữ chức danh Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật là ông Trương Hồng Võ (sinh năm 1970), góp vốn 600 tỷ đồng, tương đương 40% cổ phần. Hai cổ đông còn lại của Capital One Financial lần lượt là Lý Vĩ Hiền sở hữu 33,3% cổ phần và Lâm Xương Diệu nắm giữ 26,7% cổ phần. Đặc biệt, ông Võ còn là người đại diện của một loạt doanh nghiệp khác như Công ty TNHH MTV Đầu tư Vinaland Việt Nam, Công ty Savvina Consultant & Management, Công ty TNHH Quy hoạch & Thiết kế S-Charm Việt Nam, Công ty TNHH Phân phối Ngôi sao Châu Á.
Trong số này, Công ty Đầu tư Vinaland Việt Nam có trụ sở tại tòa nhà Times Square trên đường Nguyễn Huệ, quận 1, TPHCM-một trong những dự án lớn nhất của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát-nơi bà Trương Mỹ Lan, doanh nhân người Việt gốc Hoa làm Chủ tịch HĐQT.
Ngoài ra, Vinaland lại có sự hiện diện của ông Chiu Bing Keung Kenneth với vai trò người được ủy quyền. Ông Kenneth lại là Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Bất động sản Alpha King, một chủ đầu tư từng có thời gian công bố hàng loạt dự án ở khu vực trung tâm TPHCM nhưng hiện tại đã chuyển giao cho đơn vị khác.
Trong khi đó, Công ty S-Charm Việt Nam vừa thay tên lẫn đổi người điều hành vào ngày 11/1/2021. Trước khi ông Trương Hồng Võ tiếp quản, CEO cũ của công ty này là ông Nguyễn Vũ Anh Thi. Ông Thi lại là người đại diện pháp luật của hàng loạt doanh nghiệp, trong số đó có Công ty CP Minerva. Minerva lại được sáng lập bởi 3 cổ đông liên quan đến gia tộc sở hữu tập đoàn Vạn Thịnh Phát gồm Chu Duyệt Phấn, Trương Lập Hưng, Trương Huệ Vân.
Cả 4 doanh nghiệp tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm đều ít nhiều có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. |
Còn ông Lâm Xương Diệu là Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Đông Sài Gòn. Doanh nghiệp này lại được sáng lập bởi 3 cổ đông, trong đó Công ty Cổ phần Đầu tư Hermes Power góp vốn với tỷ lệ tới 98% cổ phần. Hermes Power lại là pháp nhân từng cùng tham gia góp vốn với Vạn Thịnh Phát thành lập một doanh nghiệp nay có tên là Công ty CP Quản lý và Phát triển Đô thị Vệ tinh Le Jardin Nam Sài Gòn.
Riêng lô đất 3-9, Công ty CP Đầu tư Trường Lập liên tục ganh đua với Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Thương mại Bình Minh và chỉ dừng cuộc chơi khi đối thủ ra giá 5.026 tỷ đồng ở lượt trả giá thứ 140, cao hơn đúng 8 tỷ đồng so với Trường Lập.
Một thông tin đáng chú ý khác là Công ty CP Capital One Finacial đăng ký địa chỉ trụ sở ở tầng 31, tòa nhà số 37 Tôn Đức Thắng, quận 1, TPHCM. Điểm trùng hợp là Trường Lập cũng có trụ sở ở tòa nhà số 37 Tôn Đức Thắng nhưng ở tầng 31.