Chỉ 1 tháng trước đây, Danny Lau lo lắng rằng anh sẽ không thể giao hàng đúng hạn cho khách hàng Mỹ bởi khi ấy anh không thể hoạt động được nhà máy sản xuất tại thành phố Đông Quản miền Nam Trung Quốc do dịch cúm corona lây lan mạnh tại Trung Quốc.
Giờ đây khi mà 80% người lao động tại nhà máy của anh đã trở lại làm việc. Giờ anh lại lo sẽ không thể nhận được đủ đơn hàng để có đủ doanh thu trả lương.
Nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc đang đương đầu với tình thế “tiến thoái lưỡng nan”: Ngay khi mà dịch cúm corona đang dần chấm dứt tại Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh hối thúc doanh nghiệp khôi phục hoạt động trở lại, virus đang tàn phá nhiều thị trường nước ngoài.
Trong trường hợp của Lau, 40% sản phẩm của công ty được xuất sang Mỹ nơi mà tỷ lệ lây nhiễm cúm corona hiện đã tăng gấp 10 lần so với tuần trước lên hơn 32.000 ca nhiễm tính đến ngày Chủ Nhật, hoạt động của nhiều doanh nghiệp hiện đã đình trệ.
Anh Lau nói: “Kinh tế thế giới sẽ chịu tác động nặng nề trong dài hạn, điều này lập tức ảnh hưởng tiêu cực đến những đơn hàng xây dựng và nguyên vật liệu”. Anh Lau nhấn mạnh đến dự báo rằng việc triển khai các dự án của chính phủ và đói nghèo trong những tháng tới sẽ chững lại. Anh cho biết anh chưa hề nhận được đơn hàng mới nào tính kể từ khi mở lại nhà máy vào cuối tháng 2/2020.
Giờ đây, người ta đang tin rằng nền kinh tế lớn nhất châu Á đang quay lại hoạt động kinh doanh như bình thường. Thế nhưng khi mà những công ty như của Lau đang chật vật tìm khách hàng, triển vọng có thể không đẹp như kỳ vọng của Bắc Kinh.
Chuyên gia phân tích tại Bộ phận Tình báo Kinh tế của Economist, ông Wang Dan, nói: “Chúng tôi sẽ điều chỉnh dự báo GDP thực của Trung Quốc trong năm 2020 xuống 2,1% từ mức 5,4% trước đó sau khi tính đến một khoảng thời gian gián đoạn kinh tế dài và nhu cầu toàn cầu yếu đi do virus cúm lây lan.
Trung Quốc xuất khẩu 2,43 tỷ USD tức 17,23 nghìn tỷ nhân dân tệ giá trị hàng hóa trong năm 2019, con số này tương đương 17,4% tổng GDP Trung Quốc. Tuy nhiên cả 4 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Đông Nam Á và Nhật hiện đang chật vật ngăn tốc đô lây lan của virus cúm corona, nhiều khu vực thậm chí còn bị phong tỏa trên diện rộng.
Dù rằng ông Wang tin tưởng vào các chính sách trợ cấp mà chính phủ Trung Quốc đang dành cho các công ty nội địa, tuy nhiên các chính sách đó thực ra sẽ không hỗ trợ được gì nhiều cho các doanh nghiệp phát triển theo định hướng xuất khẩu.
Ông Wang nói: “Tất cả là vấn đề nhu cầu. Các chương trình giảm thuế và trợ cấp không có tác dụng nếu doanh nghiệp không nhận được đơn hàng”. Ông khẳng định thêm rằng tình hình chỉ có thể thực sự cải thiện một khi dịch cúm được kiềm chế bên ngoài Trung Quốc, ông cho rằng tháng 6/2020 có thể coi như dự báo lạc quan nhất.