Trước tình hình nợ nước ngoài của Chính phủ giảm dần nhưng nợ nước ngoài của khu vực doanh nghiệp (DN) tư nhân đang tăng nhanh, Chính phủ vừa chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất giải pháp kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn.
Áp sát ngưỡng cho phép
Giải trình tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vừa diễn ra về tình hình vay nợ của quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện rất nhiều giải pháp cơ cấu lại nợ nước ngoài của Chính phủ, theo hướng giảm dần nợ nước ngoài của Chính phủ từ mức 24% GDP vào cuối năm 2011 xuống 21% GDP năm 2018. Với các khoản nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh, nhờ kiên quyết hạn chế cấp bảo lãnh nên giảm từ mức 10,9% GDP năm 2015 còn 8,7% GDP năm 2018. Trong đó, nợ bảo lãnh nước ngoài giảm từ 5,9% GDP vào cuối năm 2015 còn khoảng 5% GDP vào cuối năm 2018.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng thừa nhận nợ nước ngoài tự vay, tự trả của DN đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2016 tăng 25,7% so với 2015; năm 2017 tăng 39,6% so với 2016. Điều này dẫn đến việc gia tăng nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP. Theo đó, chỉ số nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP trong các năm 2015, 2016, 2017 và dự kiến năm 2018 tương ứng là 42%, 44,8%, 48,9% và 49,7% - áp sát ngưỡng 50% GDP được Quốc hội cho phép.
Theo Chính phủ, khoản nợ tự vay, tự trả của khối tư nhân tăng nhanh chủ yếu là do hoạt động rút vốn và trả nợ gốc các khoản vay nước ngoài ngắn hạn của DN và tổ chức tín dụng trong năm 2017 tăng mạnh. Thực tế, việc gia tăng mức vay nước ngoài ngắn hạn của tổ chức tín dụng là nhằm hỗ trợ nguồn vốn tín dụng ngắn hạn, điều hòa thanh khoản ngoại tệ trong hệ thống.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ thêm nguyên nhân nợ nước ngoài tăng là do một số khoản vay của thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Điển hình, Công ty Vietnam Beverage của nhà đầu tư Thái Lan nhưng pháp nhân là DN tư nhân Việt Nam huy động số tiền lớn để mua lại cổ phần nhà nước ở Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với giá trị khoảng 5 tỉ USD.
"Các khoản nợ này được tính vào nợ quốc gia nhưng Chính phủ không có nghĩa vụ phải trả. Việc vay này tuy có rủi ro về tỉ giá và lãi suất USD nhưng Chính phủ đã lường trước để kiểm soát" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giải thích.
Ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng nợ nước ngoài của DN Việt Nam không đáng lo ngại và không gây tác động lớn đến ổn định vĩ mô nói chung. "Các tổ chức cho vay trên thị trường tài chính quốc tế cũng có tính toán khi quyết định hợp tác với DN hay quốc gia nào. Nhìn tổng thể, nợ nước ngoài của Việt Nam vẫn được trả đầy đủ, đúng hạn, thể hiện được uy tín" - ông Phước nhìn nhận.
Một trong những nguyên nhân khiến nợ nước ngoài tăng là do một số khoản vay của thành phần kinh tế ngoài nhà nước, như việc mua lại cổ phần nhà nước ở SabecoẢnh: TẤN THẠNH
Không thể chủ quan
Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính, tuy các khoản nợ tự vay, tự trả nước ngoài của DN, tổ chức tín dụng không thuộc phạm vi nợ công nhưng lại là một cấu phần trong nợ nước ngoài của quốc gia, có ảnh hưởng quan trọng đến ổn định vĩ mô, an ninh tài chính quốc gia. Do vậy, từ chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát các khoản vay này để bảo đảm trong giới hạn cho phép.
Theo phê duyệt của Thủ tướng, hạn mức vay thương mại nước ngoài của các DN, tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay, tự trả trong năm 2018 tối đa là 5 tỉ USD. Riêng dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn cuối năm 2018 của DN, tổ chức tín dụng không vượt quá số dư nợ vào thời điểm cuối năm 2017. Ngoài ra, trong giai đoạn 2016-2018, cơ cấu vay của Chính phủ cũng đã thực hiện theo hướng tăng dần tỉ trọng huy động vốn vay trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình.
"Huy động vốn vay trong nước trung bình giai đoạn 2016-2018 đáp ứng khoảng 76% nhu cầu huy động vốn của Chính phủ. Dự kiến cuối năm 2018, tỉ trọng dư nợ trong nước của Chính phủ chiếm khoảng 60% và nợ nước ngoài khoảng 40% - thay đổi mạnh so với tỉ lệ 45% nợ trong nước và 55% nợ nước ngoài năm 2015" - ông Long lạc quan.
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng dù nợ của các tổ chức kinh tế ngoài nhà nước không thuộc phạm vi chịu trách nhiệm của Chính phủ song vẫn ảnh hưởng đến tài chính quốc gia. Bởi lẽ, nếu DN nợ nước ngoài bằng ngoại tệ thì cuối cùng cũng phải dùng ngoại tệ của quốc gia để thanh toán. Một quốc gia không bảo đảm ngoại tệ dồi dào cho DN trả nợ thì DN có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ. Trong tình huống xấu nhất là vỡ nợ, DN sẽ đẩy quốc gia vào tình huống bị mất tín nhiệm trên thị trường tài chính quốc tế, gây tác động xấu đến DN khác.
"Đây là vấn đề rất đáng cảnh báo. Dù NHNN đang kiểm soát vấn đề nợ nước ngoài bằng quy định tất cả thành phần kinh tế nợ nước ngoài ở mức nào đều phải có sự chấp thuận của NHNN nhưng không loại trừ khả năng vay mượn nước ngoài mà không khai báo, tạo ra rủi ro cho cả nền kinh tế, thậm chí có thể là khủng hoảng" - TS Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo.
Đề phòng hết dư địa vay nước ngoài
Một số chuyên gia kinh tế nhận định không phải ngẫu nhiên mà DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài "thích" vay nợ trên thị trường tài chính quốc tế hơn là vay trong nước. Bởi lẽ, lãi suất vay ngoại tệ thấp hơn, các điều khoản vay linh hoạt hơn.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo tỉ lệ vay nước ngoài áp sát trần được Quốc hội cho phép đồng nghĩa với dư địa để DN tư nhân cũng như DN nhà nước vay nước ngoài những năm sau sẽ còn rất ít.
"Muốn được vay, các DN phải đăng ký với Vụ Quản lý ngoại hối - NHNN để đưa vào kế hoạch. Nếu số lượng đăng ký vay cao hơn hạn mức năm, NHNN sẽ thảo luận, thống nhất với Bộ Tài chính để điều chỉnh dựa trên khả năng trả nợ của DN. Dù vậy, việc điều chỉnh không được vượt trần. Trường hợp hết hạn mức, DN đã nộp đăng ký sẽ phải chuyển đăng ký sang năm sau và như vậy, DN khác không còn cơ hội. Chỉ trừ trường hợp DN đăng ký vay số lượng lớn nhưng số vay thực tế lại thấp do tiến độ sử dụng vốn vay và giải ngân chậm, số đăng ký vay có thể được chuyển sang cho DN khác vào năm sau" - ông Hiếu chỉ rõ.
Kiểm soát kinh tế vĩ mô để giữ ổn định lãi suất
Liên quan đến vấn đề nợ nước ngoài của khu vực DN tư nhân tăng nhanh, PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng câu chuyện DN tăng vay nợ nước ngoài nên nhìn nhận ở góc độ DN tự vay nợ và tự chịu trách nhiệm với các khoản vay của mình. Do đó, không cần quá lo lắng về áp lực trả nợ nước ngoài của khối DN tư nhân.
"Trong bối cảnh quá trình tự do hóa luồng vốn ngày càng mạnh, cấu trúc vốn của nền kinh tế Việt Nam có trục trặc nên DN tìm kiếm nguồn vốn cho đầu tư, sản xuất - kinh doanh trên thị trường nước ngoài là tốt. Phải nhìn nhận thêm, không hẳn DN nào cũng đủ điều kiện phát hành trái phiếu quốc tế, vay nợ ở thị trường ngoại. Vì thế, vai trò của nhà nước trong trường hợp này là kiểm soát kinh tế vĩ mô để giữ ổn định lãi suất và tỉ giá. Đây mới là 2 yếu tố DN lo. Nếu lãi suất, tỉ giá ổn định sẽ hỗ trợ nhiều cho DN giảm bớt áp lực ở những khoản vay từ nước ngoài" - ông Thiên chỉ rõ.
Một góc nhìn khác từ các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh thị trường quốc tế còn nhiều rủi ro và diễn biến phức tạp như hiện nay, các DN phát hành trái phiếu quốc tế để huy động vốn cũng cần cân nhắc kỹ nhằm kiểm soát, giảm bớt nợ vay nước ngoài cũng là giải pháp.
T.Phương